Ông Putin nói gì về việc phương Tây quốc hữu hóa tài sản Nga?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Quốc hữu hóa tài sản là con dao hai lưỡi” - Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tại cuộc họp chính phủ về việc một số nước phương Tây đề xuất thu giữ tài sản Nga ở nước ngoài. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: mirror
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: mirror

 “Chúng tôi đã nghe thông báo từ một số quan chức về khả năng quốc hữu hóa một số tài sản của chúng tôi. Điều này có thể được thực hiện từ rất xa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là vũ khí hai lưỡi” -Tổng thống Putin đưa ra cảnh báo hôm 5/4.

Theo đài RT, người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý rằng thị trường năng lượng toàn cầu đã biến động mạnh do “các biện pháp thô thiển và phi thị trường” mà các đối tác nước ngoài thực hiện, bao gồm việc gia tăng sức ép đối với tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom của Nga. Ông Putin cũng cáo buộc các quốc gia châu Âu đang cố gắng “đổ lỗi cho Nga về những sai lầm của họ về kinh tế và năng lượng”.

Vào thứ Năm tuần trước, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh yêu cầu các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt Moscow phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp trong tương lai. Điện Kremlin nói rằng bất kỳ nước nào từ chối thực hiện quy định thanh toán mới sẽ không nhận được khí đốt của Nga.

Trước đó, cùng ngày Đức thông báo nắm quyền sở hữu một chi nhánh địa phương thuộc tập đoàn Gazprom của Nga. Trong khi đó hãng tin Bloomberg tiết lộ vào tuần trước rằng chính phủ Anh đang có kế hoạch quốc hữu hóa chi nhánh bán lẻ của Gazprom.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu hôm 5/4 đã đề xuất một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo hãng tin RIA Novosti, loạt hạn chế mới được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố bao gồm: lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga trị giá 4 tỷ USD; lệnh cấm hoàn toàn đối với bất kỳ giao dịch nào với 4 ngân hàng Nga, trong đó có VTB; lệnh cấm tàu Nga vào các cảng châu Âu, ngoại trừ việc giao thực phẩm và năng lượng; lệnh cấm 6 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nga, bao gồm gỗ, xi măng, hải sản và rượu mạnh.

Các lệnh cấm đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang Nga với trị giá 11 tỷ USD, bao gồm các sản phẩm bán dẫn, máy móc và thiết bị vận tải, cũng sẽ được áp dụng.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) dường như đã tránh việc cấm nhập dầu và khí đốt từ Nga. Vấn đề này đã chia rẽ các nước thành viên vốn phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Trong khi đó, theo hãng tin Tass, chính phủ Mỹ cũng sẽ áp biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ sẽ bao gồm lệnh cấm đầu tư vào Nga và sẽ được thiết kế để làm suy yếu các công cụ chủ chốt của chính phủ Nga. “Các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ bao gồm lệnh cấm đối với tất cả các khoản đầu tư vào Nga, gia tăng trừng phạt với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp nhà nước của Nga, cũng như nhắm mục tiêu vào các quan chức chính phủ Nga và gia đình,” bà Psaki nói.

Mỹ, Anh, EU và một số quốc gia khác đã phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với các cá nhân và công ty Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần