Ông Putin tuyên bố không nên vội vàng công nhận chính quyền Taliban

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng cần duy trì sự tương tác với Taliban, nhưng không nên vội vàng công nhận lực lượng này một cách chính thức.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Ngày 15/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định không nên vội vàng chính thức công nhận Taliban là lãnh đạo mới của chính quyền Afghanistan, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải tham gia các cuộc đàm phán với lực lượng này.
Phát biểu trong hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, Tổng thống Putin nói rằng “đáng tiếc là chính phủ lâm thời do Taliban thành lập không phản ánh toàn bộ xã hội Afghanistan”, song lưu ý cam kết tổ chức bầu cử và nỗ lực của họ nhằm khôi phục chức năng của các cấu trúc nhà nước. “Chúng ta không nên vội vàng với việc chính thức công nhận Taliban. Rõ ràng chúng ta cần phải tương tác với họ, nhưng không nên vội vàng và chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về điều đó” - hãng tin Tass dẫn lời ông Putin nói.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng đề cập ý định của Moscow về việc tổ chức một vòng đàm phán khác giữa các bên ở Afghanistan vào tuần tới và nhấn mạnh sự cần thiết phải khởi động lại các cuộc tham vấn về Afghanistan giữa Nga, Mỹ, Trung Quốc và Pakistan.
Theo kế hoạch, Nga sẽ tổ chức cuộc đàm phán giữa Taliban và các phe phái khác của Afghanistan vào ngày 20/10 tới. Cuộc họp theo “định dạng Moscow” này đã được tổ chức vào năm 2017 dựa trên cơ chế sáu bên tham vấn gồm các đặc phái viên từ Nga, Afghanistan, Ấn Độ, Iran, Trung Quốc và Pakistan.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận, Tổng thống Putin không có kế hoạch gặp riêng với đại diện Taliban khi lực lượng này có chuyến thăm Moscow để tham gia cuộc tham vấn vào tuần tới.
Ông Zamir Kabulov, Đặc phái viên của Điện Kremlin về Afghanistan hôm 15/10 cho biết Taliban xác nhận họ sẽ tham dự cái gọi là cuộc đàm phán “định dạng Moscow” tại thủ đô của Nga.
Ông Kabulov nói rằng ông không hy vọng các cuộc đàm phán sẽ tạo ra bất kỳ bước đột phá nào, mô tả chúng là một phần của “quá trình phát triển lâu dài”. Theo ông Kabulov, chương trình nghị sự sẽ bao gồm các vấn đề nhân quyền và tình hình nhân đạo ở Afghanistan. Ông cũng lưu ý rằng Moscow coi đây là một nền tảng cho “các cuộc thảo luận thẳng thắn” về những cách thức giải quyết các thách thức của Afghanistan một cách xây dựng.
Taliban đã bị Nga liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố vào năm 2003, và hiện Moscow vẫn chưa có động thái loại bỏ nhóm này khỏi danh sách. Bất kỳ liên hệ nào với các nhóm như vậy đều bị trừng phạt theo luật của Nga, nhưng Bộ Ngoại giao đã từ chối các câu hỏi về điều có vẻ mâu thuẫn này bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp cận Taliban để giúp ổn định tình hình Afghanistan./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần