Trước đó, vào ngày 10/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Quí Thanh (nhà sáng lập công ty) và con gái là bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mai Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Công ty Tân Hiệp Phát).
Bà Trần Ngọc Bích (cũng là con gái ông Thanh và là Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) bị khởi tố nhưng không bị bắt giam.
Ngày 11/4, một ngày sau khi ông Thanh và bà Phương bị bắt tạm giam, Công ty Tân Hiệp Phát chính thức có thông cáo chính thức liên quan việc ba lãnh đạo của công ty này bị khởi tố.
Theo Công ty Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh (nhà sáng lập công ty) và bà Trần Uyên Phương (con gái ông Thanh, Phó Tổng Giám đốc công ty) là những người sáng lập, điều hành công ty nhiều năm qua nên "sự việc trên chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của công ty".
Tuy nhiên, công ty này cho biết "với hệ thống quản lý và đội ngũ đã được xây dựng nhiều năm qua, Tân Hiệp Phát sẽ nỗ lực hết sức để giảm tối đa các ảnh hưởng bất lợi từ sự việc này với hoạt động của công ty và đối tác".
Một trong những động thái để duy trì sự hoạt động liên tục, ổn định của Công ty Tân Hiệp Phát là việc công ty này đã có Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật mới là ông David Riddle.
Được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm quản lý ở các tập đoàn lớn trên thế giới, ông David Riddle đã tham gia hoạt động của công ty hơn 13 năm qua với chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Tân Hiệp Phát.
Thông tin ông Trần Quí Thanh bị bắt tạm giam khiến nhiều người đặt câu hỏi, doanh nghiệp nổi tiếng này sẽ chịu tác động tiêu cực ra sao? Công việc cùng thu nhập cho hàng ngàn người lao động đang làm việc tại Công ty Tân Hiệp Phát có được duy trì hay không?
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động chung của Công ty Tân Hiệp Phát trong ngắn hạn có thể sẽ bị xáo trộn đôi chút, vì người sáng lập luôn là linh hồn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mọi việc sẽ ổn định khi Công ty Tân Hiệp Phát chọn được người thay thế ông Trần Quí Thanh để đứng ra quản lý doanh nghiệp, duy trì hoạt động của công ty, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động, khách hàng, đối tác…
“Lẽ đương nhiên, khi người sáng lập doanh nghiệp và người đứng đầu doanh nghiệp bị khởi tố bắt tạm giam vì một hành vi vi phạm pháp luật, thì doanh nghiệp đó sẽ chịu tổn thất ngay lập tức. Tuy nhiên, một cá nhân vi phạm pháp luật, cho dù là người đứng đầu, thì không có nghĩa tập thể đó vi phạm pháp luật” – luật sư Lê Thu Thảo phân tích.
Cụ thể, luật sư Thảo cho biết, Điều 12 "người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp" theo Luật Doanh nghiệp 2020 có nêu rõ: “Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty”.
Luật sư Lê Thu Thảo cho biết thêm, với trường hợp của Công ty Tân Hiệp Phát (công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên) khi có Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật mới là ông David Riddle và không có quyết định của cơ quan thẩm quyền yêu cầu đình chỉ hoạt động thì hoạt động của doanh nghiệp này vẫn diễn ra bình thường.
Tân Hiệp Phát là công ty sản xuất đồ uống, nước giải khát... quy mô lớn của Việt Nam. Công ty này vừa phục vụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu tới hơn 16 quốc gia. Theo công bố của doanh nghiệp, trong ba năm qua dù bị ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Công ty Tân Hiệp Phát vẫn đóng góp hơn 3.000 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách.