Ông Donald Trump trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. |
Ông Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào ngày 20/1/2017. Nhiều chuyên gia dự đoán, có thể ông Trump sẽ dỡ bỏ thỏa thuận hạt nhân tại Iran cũng như tái lập biện pháp cấm vận với Cuba mà trước đó ông Obama đã xóa bỏ.
Bên cạnh đó, vị tỷ phú New York cũng được cho là không đồng tình với những quyết định về chính sách đối ngoại của ông Obama, bao gồm cả việc triển khai quân đội Mỹ ở nước ngoài để chống lại nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống có quyền ban hành những chính sách đối ngoại. Trước đó, những đời Tổng thống bao gồm cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đã tìm cách thực thi những quyền hạn bằng việc ban bố lệnh điều hành, biên bản ghi nhớ… “Ông Obama đã dựa trên quyền hành theo Hiến pháp Mỹ để xây dựng những di sản trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, những chính sách này có khả năng sẽ gặp phải sự cản trở dưới thời Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ”, Giám đốc Dự án về trật tự quốc tế và Chiến lược Thomas Wright tại Viện Brookings, Washington, Mỹ nhận định.
Tổng thống Barack Obama đã từng hy vọng sẽ để lại những di sản đối ngoại của ông cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, song bà đã thua trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trước ông Donald Trump.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia quan ngại việc Tổng thống Trump có thể phá tan những thành tựu mà Tổng thống Barack Obama đã đạt được như chính sách Obamacare, biến đổi khí hậu. Có thể nói, ngoài chính sách đối nội, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng sẽ chứng kiến những biến động lớn khi ông Trump chính thức nắm giữ chiếc ghế Tổng thống.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo sẽ có sự khác biệt lớn giữa những lời hứa trong chiến dịch tranh cử và thực tế khi ông Trump lên nắm quyền. Theo đó, các cuộc tái thương lượng thương mại sẽ không còn quan trọng như những lời quảng cáo còn những lời cam kết về chính sách ngoại giao như chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel tới Jerusalem sẽ bị gạt sang một bên.