“Vâng, chúng tôi đang cân nhắc các biện pháp các biện pháp trừng phạt liên quan đến dự án khí đốt của Nga. Mọi người có quyền làm những gì họ muốn làm. Tôi đang xem xét các phương án và tôi là người sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt liên quan đến tuyến đường ống khí đốt này”, ông Trump phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng sau khi có cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã từng nhiều lần cảnh báo về việc Đức ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga. Theo đó, năm ngoái, ông Trump đã chỉ trích rằng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ khiến Đức trở thành “con tin” của Nga.
Giống như các cựu Tổng thống Mỹ, ông Trump cũng lên tiếng phản đối tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, được chạy dưới Biển Baltic song song với một tuyến đường ống khí hiện có nối liền miền đông nước Nga và miền bắc nước Đức.
Mỹ và một số nước châu Âu lo ngại dự án này sẽ khiến Nga không sử dụng cơ sở hạ tầng ở Ukraine , cho phép Moscow sử dụng nguồn cung cấp năng lượng làm vũ khí chống lại các nước láng giềng mà không làm gián đoạn dòng chảy sang Tây Âu. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn xuất khẩu khí đốt sang Đức, thay cho việc Berlin mua khí đốt của Moscow .
Tuy nhiên, cả Nga và Đức đều khẳng định Dòng chảy Phương Bắc 2 là một dự án kinh tế thuần túy. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga giữ vai trò chủ đầu tư dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cùng với các công ty châu Âu, gồm Royal, Dutch, Shell và Wintershall.
Cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đều phản đối đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, cho rằng Nga có thể sử dụng khí đốt để gây áp lực lên các nước Tây Âu phụ thuộc và nguồn cung năng lượng này. Các nghị sĩ Mỹ cũng lo ngại rằng việc có thêm đường ống này sẽ giúp Nga có thể dễ dàng hơn trong việc cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine - nước đang giữ vai trò điểm trung chuyển chủ chốt khí đốt sang châu Âu.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry và các quan chức Nhà Trắng khác cũng đã thông báo có thể áp các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2.
Chính quyền ông Trump đang tìm cách thay thế nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu bằng việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, một dạng nhiên liệu được làm lạnh thành dạng lỏng để vận chuyển bằng tàu chở dầu.
Ba Lan, một trong những quốc gia châu Âu phản đối mạnh nhất Dòng chảy Phương Bắc 2, đã ký các thỏa thuận mua LNG của Mỹ trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.