Theo dự luật The Holding Foreign Companies Accountable Act (Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm) sẽ cấm các công ty nước ngoài niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch Mỹ nếu họ không đáp ứng được các cuộc kiểm tra của Ban giám sát kế toán công trong 3 năm liên tiếp.
Đạo luật này cũng sẽ yêu cầu các công ty đã niêm yết phải công khai liệu họ có thuộc sở hữu hay kiểm soát của chính phủ nước ngoài hay không.
Mặc dù đạo luật sẽ áp dụng cho công ty từ bất kỳ quốc gia nào, giới phân tích cho rằng những người ủng hộ đạo luật muốn nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ, như tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, công ty công nghệ Pinduoduo Inc và tập đoàn dầu khí khổng lồ PetroChina Co Ltd.
Các công ty Trung Quốc muốn được niêm yết trên các sàn chứng khoán tại Mỹ bởi cổ phiếu của họ có điều kiện tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Phố Wall cũng thích điều này bởi được tiếp cận dễ dàng hơn chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, hơn 100 công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ không cho phép bên thứ 3 kiểm toán tài chính, dẫn đến tiếng nói phản đối không công bằng.
Các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng phản đối dự luật nói trên, cáo buộc đó là một chính sách phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc.
Giống như nhiều đạo luật khác có quan điểm cứng rắn hơn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, đạo luật trên đã được Quốc hội Mỹ thông qua với tỷ lệ ủng hộ lớn vào đầu năm nay. Nhiều nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ đều đồng ý về đường lối cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đối với Bắc Kinh.
Trước đó, hôm 18/12, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm hàng chục công ty Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip hàng đầu của nước này SMIC và nhà sản xuất máy bay không người lái (drone) SZ DJI Technology Co Ltd, vào “danh sách đen thương mại”. Các công ty trước đó đã được thêm vào danh sách bao gồm tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei Technologies Co và 150 chi nhánh, ZTE Corp, cũng như nhà sản xuất camera giám sát Hikvision của Trung Quốc.