Đó là J.D Vance, một tác giả, nhà đầu tư mạo hiểm và thượng nghị sĩ (TNS) nhiệm kỳ đầu tiên đến từ bang Ohio.
Đánh dấu sự thay đổi chiến lược
giới quan sát, ông Vance với kinh nghiệm còn khiêm tốn về chính trị và thậm chí còn ít hơn về chính sách đối ngoại, đại diện cho sự cứng rắn hơn trong lập trường “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Các chuyên gia cho rằng quyết định này đánh dấu sự thay đổi chiến lược của ông Trump. Trong khi người đồng hành trước đây của ông, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, được coi là có ảnh hưởng vừa phải trong chiến dịch tranh cử của ông, thì sự lựa chọn mới báo hiệu sự ủng hộ chính trị cực hữu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Hôm 17/7, TNS Vance đã đưa ra lập luận về một tương lai táo bạo hơn cho đảng Cộng hòa, trong bài phát biểu đề cử tại Đại hội toàn quốc của đảng này.
“Đêm nay là đêm của hy vọng, về những gì nước Mỹ đã từng có và - với ân sủng của Chúa - nước Mỹ sẽ sớm trở lại như vậy. Và đó là lời nhắc nhở về nghĩa vụ thiêng liêng mà chúng ta phải bảo vệ nước Mỹ, để chọn ra con đường mới cho những thế hệ sau” - ông Vance tuyên bố.
Allan Lichtman, giáo sư lịch sử Mỹ tại Đại học American nhận định, lựa chọn của ông Trump “khó có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử, nhưng mặt khác thể hiện nhiều về những gì đảng Cộng hòa và ông Donald Trump sẽ làm sắp tới”.
“Ông Trump không tiếp cận với những người có cách tiếp cận khác với chính sách đối ngoại và cách tiếp cận ôn hòa hơn đối với chính sách đối nội. Thay vào đó, ông ấy đã chọn một bản sao trẻ hơn của mình” - GS Lichtman cho biết.
Chuyên gia David Klion, nói với Al Jazeera: “Việc lựa chọn ông Vance là một tuyên bố mang tính ý thức hệ. Khác với thời điểm ông Trump chọn ông Mike Pence làm Phó Tổng thống vào năm 2016, đó là sự lựa chọn nhằm trấn an những người trong đảng vốn quan ngại Tổng thống sẽ vượt xa các quy tắc của đảng về các vấn đề như thương mại và chính sách đối ngoại”.
Lòng nhiệt thành của một người hoán cải
TNS Vance không phải có mối quan hệ truyền thống chặt chẽ với ông Trump, từng buông chỉ trích với cựu Tổng thống Mỹ. Song khi tranh cử vào ghế Thượng viện vào năm 2022, quan điểm của ông đã thay đổi, nghiêng về phong cách chính trị của ông Trump, thậm chí lặp lại những tuyên bố khẳng định kết quả cuộc bầu cử năm 2020 đã bị gian lận của cựu Tổng thống Mỹ.
Truyền thông cho biết bản thân ông Trump rất ấn tượng với tính cách trước công chúng của ông Vance - và việc ông sẵn sàng tương hỗ cựu Tổng thống trong những lần xuất hiện thường xuyên trên truyền thông.
Đã có sự thay đổi trong những năm gần đây, khi các Phó Tổng thống Mỹ - bao gồm cả ông Biden dưới thời Tổng thống Obama - đảm nhận các vai trò quan trọng như người thân cận tâm giao, đặc phái viên và cố vấn hàng đầu.
Thật vậy, Mike Pence, Phó Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đã dành phần lớn thời gian tại nhiệm thực hiện các chuyến công du nhằm trấn an các đồng minh và đối tác đang lo lắng của Mỹ về những ý định khó lường của ông chủ Nhà Trắng.
Ava Kalinauskas và Samuel Garrett, hai nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Đại học Sydney, cho biết: “Việc chú ý kỹ đến triết lý chính sách đối ngoại của (TNS Vance) phát triển trong những tháng tới có thể là điều quan trọng để hiểu được các đường nét của nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump”.
Thông qua một cuộc đời thơ ấu lớn lên ở Ohio với một gia đình đến từ vùng nông thôn Kentucky, ông Vance là tác giả một cuốn sách xoay quanh các chủ đề về sự xa lánh xã hội và kinh tế giữa những người lao động nghèo.
Trong khi các thành viên đảng Cộng hòa theo trường phái cũ bày tỏ ủng hộ đối với thương mại tự do và bãi bỏ quy định đối với DN thì bản thân TNS Vance lại chỉ trích các thỏa thuận thương mại tự do dẫn đến sự suy thoái của ngành công nghiệp ở các khu vực như Vành đai Rust.
Tuy nhiên, những người chỉ trích Vance vẫn đặt câu hỏi về sự chân thành của ông với tầng lớp lao động: ứng cử viên Phó Tổng thống theo học tại Trường Luật Yale và có quan hệ chặt chẽ với các tỷ phú cánh hữu từ thời còn làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Họ cũng chỉ ra rằng, trong thời gian làm việc tại Thượng viện, TNS Vance đã miễn cưỡng ký vào luật ủng hộ lao động.
Hướng đi mới trong chính sách đối ngoại?
Lựa chọn TNS Vance cũng cho thấy sự sẵn sàng phá bỏ tính chính thống của đảng Cộng hòa trong chính sách đối ngoại, tránh xa sự ủng hộ toàn diện cho hành động quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Bản thân ông Trump cũng bày tỏ quan điểm tương tự, thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Sự khác biệt về chính sách đối ngoại cũng được thể hiện trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, với các ứng cử viên như bà Haley có quan điểm truyền thống hơn, ủng hộ các liên minh quốc tế như NATO và hỗ trợ quân sự cho các nước như Ukraine.
Hồi tháng 5, TNS này từng phát biểu: “Tôi không nghĩ rằng việc tiếp tục tài trợ cho một cuộc chiến không hồi kết hiệu quả ở Ukraine sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ”.
Ứng cử viên Phó Tổng thống cũng nhiều lần nhấn mạnh trong các bài phát biểu và phỏng vấn rằng Mỹ phải tập trung vào khu vực, thậm chí lặp lại ngôn ngữ được sử dụng dưới thời chính quyền Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama về “xoay trục” sang châu Á.
Tuy nhiên, sự xoay trục này, theo ông, phải đi kèm với sự thừa nhận rằng lực lượng Mỹ đang bị dàn mỏng khi phải vật lộn với cuộc chiến Ukraine hay xung đột ở Gaza.
Chủ nghĩa dân túy kinh tế
Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng, cựu Tổng thống Trump đã áp dụng những chính sách mới cứng rắn lên Trung Quốc. Một vài trong số đó đã được thông qua - và thậm chí được mở rộng - dưới thời người kế nhiệm và đối thủ bầu cử của ông, Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nếu trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, ông Trump cam kết áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ.
Trong khi đó, TNS Vance cũng từng khẳng định bản thân là “người theo chủ nghĩa dân túy về mặt kinh tế” khi nói đến Trung Quốc - đã ủng hộ những cam kết này.
Giống như ông Trump, ứng viên Phó Tổng thống Mỹ tán thành các bước đi thậm chí còn mạnh mẽ hơn, đồng ủng hộ việc thu hồi quy chế thương mại được ưu đãi của Trung Quốc hồi năm 2023, hơn một năm trước khi đảng Cộng hòa chính thức ủng hộ biện pháp này công khai trên các phương tiện truyền thông. Về cơ bản, điều này có nghĩa là bãi bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn và giảm thuế quan mà Mỹ đã cấp cho Trung Quốc sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.