Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Zelensky tiết lộ điều bất ngờ về lệnh trừng phạt Nga của phương Tây

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng phương Tây dường như chưa muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế với Nga dù đang áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chống Moscow.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty

Theo đài RT, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng các nước phương Tây đã thất bại trong việc gây áp lực buộc Nga chấm dứt xung đột ở Ukraine, do họ vẫn còn do dự trong việc chấm dứt hoàn toàn quan hệ với Moscow.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hôm 21/5, Tổng thống Ukraine đã chỉ trích phương Tây có tư tưởng lo sợ leo thang căng thẳng với Nga. Ông Zelensky nhận định, đây cũng chính là nguyên nhân khiến phương Tây không cho phép Ukraine sử dụng các loại vũ khí do nước ngoài viện trợ để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.

“Tại sao Kiev không được phép sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công lãnh thổ của Moscow? Bạn sẽ được thông báo rằng, đó là sự leo thang căng thẳng. Phương Tây vẫn hé mở cánh cửa với Nga. Điều này cho thấy về cơ bản, các đối tác của chúng tôi lo ngại quan hệ bị cắt đứt hoàn toàn với Nga” – Tổng thống Zelensky phàn nàn. 

Cũng theo nhà lãnh đạo Ukraine, mặc dù phương Tây đã gây áp lực buộc các công ty nước ngoài rút khỏi thị trường Nga và đóng băng tài sản của Moscow, nhưng phương Tây vẫn né tránh các biện pháp trừng phạt quyết liệt hơn.

Ông nhấn mạnh: “Phương Tây vẫn chưa đồng ý chuyển giao tài sản của Nga bị đóng băng hỗ trợ Ukraine. Tại sao? Bởi việc làm này sẽ đồng nghĩa với việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế với Nga”.

Tổng thống Zelensky lập luận điều tương tự cũng xảy ra với việc đóng cửa các cơ quan ngoại giao phương Tây ở Nga, và trục xuất các nhà ngoại giao Nga về nước. 

“Không thể nói rằng chúng tôi đã gây áp lực lên Nga về mặt ngoại giao, hoặc kinh tế thông qua các lệnh trừng phạt. Sự cô lập đã không xảy ra” - ông Zelensky nhấn mạnh. 

Ông Zelensky đã nhiều lần chỉ trích phương Tây vì không thể gây sức ép với Nga. Vào tháng 11/2023, Tổng thống Ukraine cho rằng Moscow sẽ không rút khỏi các khu vực mà Kiev tuyên bố chủ quyền, nếu như không bị Mỹ và Trung Quốc gây áp lực đúng cách. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 2/2024 cho biết, tất cả nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại. Tuy nhiên, ông thừa nhận, áp lực của các quốc gia phương Tây lên các đối tác của Moscow sẽ gia tăng.

Trong chuyến thăm tới Trung Quốc vào tuần trước và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi quan hệ kinh tế đang phát triển giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, 90% giao dịch giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng nội tệ của hai nước, và kim ngạch thương mại đã đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD.

Trong một diễn biến liên quan, ông Yevgeny Primkov, người đứng đầu Cơ quan Liên bang Nga về các vấn đề của Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS), ngày 23/5 khẳng định, các diễn đàn quốc tế liên quan đến Nga vẫn được tổ chức trong thời gian qua chứng tỏ rằng Moscow không bị cô lập trên trường quốc tế.

"Hơn 80 quốc gia đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế lần thứ 15 "Nga-Thế giới Hồi giáo: Diễn đàn Kazan 2024”. Bạn sẽ không thấy cờ của Liên minh châu Âu hay Mỹ,... tại sự kiện trên. Các nước phương Tây sẽ không đồng ý tham dự các cuộc họp tương tự như Diễn đàn Kazan 2024 nhằm mục đích để cô lập Nga. Nhưng một lần nữa, tôi nhắc lại: Nga không thể bị cô lập, chúng tôi có nhiều bạn bè và nhiều đối tác" - ông Primko nói khi trả lời phỏng vấn hãng Tass.

Theo ông Primkov, Diễn đàn Kazan 2024 vừa diễn ra từ ngày 14-19/5 tại Kazan, Cộng hòa Tatarstan, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia.

“Chúng tôi đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, giới thiệu những trải nghiệm độc đáo về quan hệ hợp tác và tình bạn giữa các sắc tộc ở Nga, nơi có khoảng 20 triệu người Hồi giáo, cũng như cách các cộng đồng này duy trì mối quan hệ gần gũi và thân thiện. Đó là một trải nghiệm đáng kinh ngạc" - quan chức Nga nhấn mạnh.

CIS được thành lập vào năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã. Hiện CIS có 9 thành viên là Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Uzbekistan. Ukraine đã rút khỏi CIS vào năm 2018.