Phát biểu tại Triển lãm Dầu, Khí, Lọc & Hóa dầu Quốc tế lần thứ 24 tổ chức tại Tehran hôm 2/5, Tổng thư ký Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammed Sanusi Barkindo cho biết hiện không thể loại trừ Iran khỏi thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tổng thư ký OPEC Mohammed Sanusi Barkindo khẳng định, tổ chức này sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định đơn phương nào ảnh hưởng đến các thành viên. |
Ông Barkindo lưu ý thêm, OPEC sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định đơn phương nào ảnh hưởng đến các thành viên trong tổ chức này trong bối cảnh Mỹ vừa gia tăng biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran.
Tổng thư ký OPEC lưu ý thêm nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã phải đối mặt với những vấn đề tương tự trong những năm qua và tin rằng Tehran chắc chắn sẽ vượt qua những thách thức này.
“Sau 60 năm kể từ khi thành lập OPEC, chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng sự thống nhất của các quốc gia thành viên luôn giúp chúng tôi vượt qua khó khăn. Nếu chúng tôi vẫn duy trì được sự đoàn kết này, chúng tôi có thể vượt qua các thử thách thêm một lần nữa”, Tổng thư ký Barkindo cho hay.
Nhà lãnh đạo OPEC cũng bày tỏ mối lo ngại về sự khác biệt giữa các thành viên OPEC, đồng thời nói rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Iran không chỉ ảnh hưởng đển Tehran mà nó còn tác động không nhỏ đến OPEC.
Theo ông Barkindo, những thách thức mà các quốc gia thành viên OPEC, gồm Iran, Libya và Venezuela, sẽ ảnh hưởng đến thị trường và ngành công nghiệp dầu mỏ.
“OPEC sẽ nỗ lực hết mình để tránh xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng” toàn cầu trong bối cảnh một số thành viên đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế và một số nước khác trong liên mình đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn”, Tổng thư ký Barkindo khẳng định.
Trước đó, hôm 1/5, Bộ trưởng Năng lượng Iran Bijan Zangeneh đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thị trường dầu mỏ biến động mạnh và chỉ trích một số quốc gia sử dụng biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ làm vũ khí.
Bộ trưởng Zangeneh tuyên bố: “Những quốc gia sử dụng dầu mỏ làm vũ khí chống lại Iran và Venezuela - 2 thành viên sáng lập OPEC, đang khiến các thành viên thuộc tổ chức này chia rẽ và có thể khiến OPEC sụp đổ. Họ phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả này”.
Hôm 22/4 vừa qua, chính quyền Mỹ đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Italia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc được phép mua dầu thô của Iran. Biện pháp này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/5 tới.
Washington tiết lộ đang hợp tác với Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để đảm bảo nguồn cung dầu mỏ được cung cấp đầy đủ, song các nhà giao dịch đang gia tăng lo ngại về nguồn cung sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm.