Giá dầu Brent tăng 16 cent, tương đương 0,22%, lên 72,47 USD/thùng vào lúc 13:44 giờ ET. Dầu thô Mỹ West Texas Intermediate (WTI) tăng 14 cent, tương đương 0,2%, lên 68,68 USD/thùng.
OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga, trước đó dự kiến bắt đầu dỡ bỏ cắt giảm sản lượng từ tháng 10/2024. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu chậm lại cùng sản lượng tăng mạnh từ các nguồn ngoài OPEC+ đã buộc nhóm này phải hoãn kế hoạch nhiều lần. Theo tính toán, từ tháng 4/2025, OPEC+ sẽ bắt đầu dỡ bỏ cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày với mức tăng dần 138.000 thùng/ngày mỗi tháng, kéo dài trong 18 tháng đến tháng 9/2026.
Mặc dù quyết định của OPEC+ được đánh giá tích cực trong ngắn hạn, các nhà phân tích vẫn lo ngại về nguồn cung dầu dồi dào trong năm 2025, có thể làm giảm bớt tác động hỗ trợ giá từ quyết định trên. Ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho, nhận xét: "Thị trường đang đối diện với tình trạng dư cung, không thiếu dầu và cũng không có tín hiệu nào để thúc đẩy giá tăng mạnh."
Đồng thời, đồng USD giảm giá cũng hỗ trợ cho thị trường dầu mỏ. Nhà phân tích năng lượng Alex Hodes tại StoneX dự báo, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng này sẽ tiếp tục làm suy yếu sức mạnh của đồng USD, tạo lợi thế cho giá dầu. Đồng USD yếu hơn sẽ giúp dầu mỏ, được định giá bằng USD, rẻ hơn đối với các nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác, qua đó tăng nhu cầu.
Tại Trung Đông, Israel tuyên bố sẵn sàng quay lại chiến tranh với Hezbollah nếu thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ, đồng thời cảnh báo sẽ mở rộng các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Lebanon.
Trong khi đó, đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tích cực thúc đẩy đàm phán tại Qatar và Israel nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin ở Gaza trước khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1.