OPEC+ có thể vẫn tăng sản lượng ở mức “khiêm tốn”
Theo hãng tin AFP, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, có thể sẽ quyết định tiếp tục chính sách tăng nhẹ sản lượng tại cuộc họp vào ngày 2/6 sau khi Liên minh châu Âu (EU) vừa cấm nhập khẩu phần lớn dầu mỏ của Nga.
Các nhà lãnh đạo EU hôm 30/5 đã nhất trí cấm 2/3 lượng dầu nhập khẩu của Nga, gia tăng sức ép kinh tế lên Nga nhằm đáp trả việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Quyết định trên đã khiến giá dầu, vốn đã leo dốc kỷ lục kể từ đầu năm, tiếp tục tăng mạnh trong ngày 1/6. Chốt phiên trong ngày, giá dầu Brent vọt lên 124 USD/thùng - mức cao nhất trong hơn 2 tháng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ vượt mức 119 USD/thùng.
Cuộc họp chính sách sắp tới diễn ra trong bối cảnh nhóm OPEC+ đang chịu sức ép gia tăng trong việc tăng mạnh sản lượng và hạ nhiệt giá dầu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, OPEC+ sẽ vẫn giữ nguyên chiến lược chỉ tăng sản lượng khoảng 432.000 thùng/ngày trong tháng 7 tới, bất chấp lời kêu gọi tăng mạnh nguồn cung từ các nước phương Tây.
“OPEC + nhiều khả năng sẽ phớt lờ lời kêu gọi tăng nhanh sản lượng từ phương Tây, thay vào đó nhóm sẽ duy trì kế hoạch sản lượng đã được thống nhất trước đó," nhà phân tích Victoria Scholar tại Interactive Investor nhận định với AFP.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích hàng hóa Craig Erlam tại sàn giao dịch OANDA nói với hãng tin AFP: “Nga cùng với Ả Rập Saudi hiện là hai thành viên quan trọng nhất của liên minh OPEC+, vì vậy bất kỳ quyết định nào liên quan đến chính sách sản lượng đều cần sự thống nhất của cả hai nước”.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman hôm 23/5 nhấn mạnh OPEC+ sẵn sàng tăng sản lượng nếu các thị trường có nhu cầu, song cũng nhấn mạnh OPEC+ cần độc lập với vấn đề chính trị.
13 nước thành viên OPEC, dẫn đầu là Ả Rập Saudi và 10 nước đối tác, do Nga dẫn dắt đã giảm mạnh sản lượng trong năm 2020, khi nhu cầu lao dốc do đại dịch Covid-19 bùng phát, dẫn tới các biện pháp phong tỏa được thực hiện trên toàn cầu. OPEC+ đang tăng sản lượng ở mức khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ năm ngoái dù các nước tiêu thụ lớn như Mỹ gây sức ép tăng sản lượng mạnh hơn.
Khó có thể bù đắp nguồn cung của Nga
Các nhà phân tích lưu ý rằng ngay cả khi OPEC+ sẵn sàng nhất trí tăng sản lượng, một số thành viên trong nhóm đang gặp khó khăn trong việc thực hiện đúng thỏa thuận tăng sản lượng. “OPEC+ đang bỏ lỡ mục tiêu tăng sản lượng vốn ở mức khiêm tốn, do vậy chúng tôi cho rằng nhóm khó có khả năng yêu cầu các nước vẫn đang thiếu hạn ngạch sản lượng tiếp tục tăng thêm nguồn cung dầu mỏ,” chuyên gia Craig Erlam Erlam cho hay.
Trong khi đó, kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine, sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga đã giảm từ khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022 xuống mức trung bình 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022.
Ả Rập Saudi hiện chỉ duy trì sản lượng khoảng 10,5 triệu thùng/ngày và khó có thể tăng lên mức trên 11 triệu thùng/ngày. Nhóm OPEC ước tính rằng sản lượng công suất dự phòng của Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chỉ ở mức gần 2 triệu thùng/ngày.
Đề cập đến tác động từ lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của EU, ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích hàng hóa của ngân hàng SEB cảnh báo: “Hiện thị trường không có nhiều dầu mỏ dự phòng để thay thế nguồn cung thiếu hụt của Nga”.
Theo các báo cáo, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với ngành dầu mỏ Nga có thể khiến thị trường “vàng đen” toàn cầu mất từ 2-3 triệu thùng/ngày từ nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.