Giới đầu tư đang đón đợi cuộc họp sắp tới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ diễn ra vào ngày 4/1/2022. Tại cuộc họp lần này, OPEC+ sẽ quyết định có tiếp tục tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2/2022 hay không.
Tại cuộc họp chính sách vào đầu tháng 1/2022, OPEC+ nhiều khả năng sẽ không tăng mạnh nguồn cung bất chấp sức ép từ Mỹ. |
Trong cuộc họp hồi đầu tháng này, liên minh OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 1/2022, bất chấp lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron, cũng như sức ép tăng thêm nguồn cung từ Mỹ. Các chuyên gia năng lượng tin rằng thị trường dầu thế giới sẽ quan tâm tới từng động thái của OPEC+. Hơn nữa, các quyết định của liên minh này sẽ là động lực quan trọng của giá dầu trong năm 2022, bên cạnh diễn biến của đại dịch Covid-19.
Tính từ đầu năm tới nay, giá “vàng đen” đã tăng hơn 50% - chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhu cầu cũng như kế hoạch cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+. Trong tuần qua, giá dầu đã lấy lại đà tăng khi các lo ngại xoay quanh tác động của biến thể Omicron đối với nền kinh tế toàn cầu giảm xuống. Các nhà khoa học cho biết từ dữ liệu ban đầu, triệu chứng mà biến thể Omicron gây ra nhẹ hơn so với chủng Delta. Trong phiên giao dịch đầu tuần này, cả dầu Brent và dầu WTI của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 26/11 - thời điểm các báo cáo nói rằng biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn, khiến giá dầu lao dốc hơn 10%.
Hiện cả Ả Rập Saudi, lãnh đạo thực tế của OPEC, và Nga, nước đứng đầu nhóm sản xuất dầu ngoài OPEC, đều ủng hộ liên minh OPEC+ tiếp tục duy trì chính sách tăng sản lượng hiện tại bất chấp lời kêu gọi tăng mạnh nguồn cung từ Mỹ.
Phát biểu trước thềm cuộc họp sắp tới của OPEC+, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 29/12 cho biết liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ khiến Mỹ và Trung Quốc - những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, thất vọng khi không bơm mạnh nguồn cung cho thị trường năng lượng toàn cầu. Theo Phó Thủ tướng Novak, OPEC+ đã từ chối các lời kêu gọi tăng sản lượng từ Washington vì liên minh này ưu tiên cho chiến lược chính sách dài hạn và muốn cung cấp cho thị trường định hướng rõ ràng. Hãng truyền thông RBC dẫn lời ông Novak cho hay: "Chúng tôi tin rằng sẽ là điều đúng đắn cho thị trường để nhìn thấy trong trung hạn chúng tôi sẽ tăng sản lượng như thế nào khi nhu cầu tăng lên. Các công ty khai thác nên hiểu họ cần phải lên kế hoạch đầu tư trước để đảm bảo tăng sản lượng". Ông Novak cũng cho biết việc Mỹ và những nước tiêu thụ lớn khác có thể giải phóng kho dự trữ chiến lược sẽ có tác động hạn chế trong ngắn hạn đến thị trường dầu mỏ. Phó Thủ tướng Novak dự đoán rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng khoảng 4 triệu thùng/ngày trong năm tới sau khi tăng tới 5 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Trong khi đó, Vua Salman của Ả Rập Saudi ngày 29/12 khẳng định thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường dầu mỏ, đồng thời nhấn mạnh các nước thành viên cần phải tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận này.
Mỹ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi OPEC+ tăng mạnh sản lượng khi giá xăng dầu tại nước này tăng vọt, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong hơn 30 năm vào tháng 11 vừa qua. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hồi cuối tháng 11 đã quyết định sẽ xả kho dự trữ dầu mỏ chiến lược nhằm tăng nguồn cung cho thị trường sau khi OPEC+ từ chối lời kêu gọi bơm thêm nguồn cung.
Theo oilprice.com, nhu cầu dầu thô toàn cầu đã tăng trở lại trong năm nay, khi thế giới bắt đầu vực dậy từ đại dịch. Trong năm tới, mức tiêu thụ năng lượng nói chung của thế giới có thể xác lập một kỷ lục mới, bất chấp sự lây lan của Omicron và chính sách môi trường của các nước. Nhà phân tích Jeffrey Halley của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết số ca mắc mới Covid-19 gia tăng đang gây ra sự gián đoạn đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa và dịch vụ do người lao động phải tự cách ly. Song ông cho rằng diễn biến này chỉ gây ra những căng thẳng ngắn hạn, với đà phục hồi toàn cầu cho năm 2022 vẫn đang đúng hướng.
Trong phiên giao dịch ngày 30/12, giá dầu Brent giảm 41 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống mức 78,82 USD/thùng, còn giá dầu WTI cũng sụt 33 xu Mỹ, khoảng 0,4% về mức 76,23 USD/thùng sau 6 phiên tăng liên tiếp./.