Trong bối cảnh hành tinh xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các thảm họa môi trường và biến đổi khí hậu, những sáng kiến hành động do chính phủ thực thi hoặc do cộng đồng DN tiến hành nhằm hướng tới phát triển xanh đều được tôn vinh. “Xanh hơn, sạch hơn” đang ngày càng trở thành mệnh lệnh cấp thiết trên khắp toàn cầu.
Thủ đô Oslo - TP cổ nhất ở bán đảo Scandinavia và là TP đông dân nhất của Na Uy, chính thức được Ủy ban châu Âu trao giải Thủ đô xanh châu Âu 2019. Ra đời từ năm 2010, giải thưởng Thủ đô xanh của châu Âu trao tặng cho các TP châu Âu có dân số hơn 100.000 người và có chất lượng môi trường tốt nhất. Kể từ khi bắt đầu vào năm 2010, đã có 11 TP được vinh danh Thủ đô xanh của châu Âu. Sau Oslo, TP Lisbon của Bồ Đào Nha cũng được chọn là Thủ đô xanh của châu Âu năm 2020.
Bất kỳ TP nào cũng có thể mơ ước được xanh hơn, nhưng cần có quyết tâm, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cùng với sự ủng hộ của người dân. Đó là điều làm cho Oslo trở nên đặc biệt.Ủy viên Môi trường, Hàng hải và Ngư nghiệp của châu Âu Karmothy Vella |
Giải thưởng Thủ đô xanh châu Âu được đánh giá là sự công nhận những nỗ lực của giới chức TP Oslo trong việc cải tạo nguồn nước, cắt giảm khí thải CO2, chất lượng không khí, phát triển xanh, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và giao thông công cộng. Nhiều TP châu Âu khác được Oslo truyền cảm hứng về cách sống hòa cùng thiên nhiên, hạn chế rác thải và bảo vệ môi trường.
Trong hàng chục năm qua, Chính phủ Na Uy đã nỗ lực để biến Olso thành TP lý tưởng nhất thế giới với bầu không khí trong lành và chất lượng cuộc sống tốt. Năm 2007, Oslo được trang Reader công nhận là TP xanh thứ 2 trên thế giới. Thị trưởng Oslo Raymond Johansen nói rằng TP rất tự hào khi chính thức trở thành Thủ đô xanh châu Âu 2019. Theo ông Johansen, vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất của các đô thị trong thời điểm hiện tại. “Vì vậy, chúng tôi mong muốn tận dụng cơ hội năm Thủ đô xanh châu Âu của mình để trao đổi về những sáng kiến phát triển xanh, bền vững, truyền cảm hứng, huy động công dân và các DN Oslo đưa ra những lựa chọn, giải pháp thân thiện nhất với môi trường”.
Oslo là một trong những TP có nhiều cây xanh nhất thế giới với hàng loạt công viên cây xanh trải khắp. Chính quyền Oslo rất khắt khe trong vấn đề tạo không gian sống xanh mát, trong lành nhằm bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí và cuộc sống của người dân. Trải dài trên diện tích khoảng 500km2 với hơn 600.000 người, Oslo chỉ cho phép xây dựng trên diện tích 115km2, diện tích còn lại được dành cho công viên, nhà vườn, rừng, suối, ao hồ… Chính quyền TP cũng đã cải tạo hệ thống sông và suối với chiều dài 3.000m nhằm tạo môi trường đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên và giúp thoát nước hiệu quả.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, chính quyền Oslo cũng thành công trong nỗ lực trả lại không gian đô thị tối đa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân và cải thiện môi trường sống ngày càng xanh hơn. Cơ quan quản lý đã lập kế hoạch thực hiện trong vòng 10 năm để tăng tính kết nối tối đa giữa các điểm đến khác nhau trong TP, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển dễ dàng nhất, dù họ có thể đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, một trong những điểm đặc biệt của Oslo là hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường. Phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là xe bus và tàu điện giúp người dân đi lại rất dễ dàng.
|
Giới chức Oslo đã ban hành lệnh cấm ô tô vào trung tâm TP bắt đầu từ năm 2019. Nguồn: Lifegate |
Kế hoạch đầy tham vọng Gây ấn tượng hồi đầu năm nay với danh hiệu Thủ đô xanh châu Âu năm 2019, đầu tháng này, Thủ đô Oslo của Na Uy tiếp tục truyền cảm hứng cho các TP khác trên thế giới, khi đặt mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030, tiến tới không có khí thải CO2 đến năm 2050. Dù còn cần nhiều nỗ lực, song với chiến lược mới, Oslo một lần nữa khẳng định những ưu tiên của mình đối với phát triển đô thị bền vững.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 9/8, Thị trưởng Oslo Raymond Johansen nhấn mạnh, mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 là chiến lược về khí hậu tham vọng nhất của bất kỳ TP lớn nào trên thế giới. Thị trưởng Johansen cũng cam kết cùng người dân Oslo và các DN hành động để trong vòng 11 năm tới loại bỏ các nguồn phát thải khí độc hại gây ô nhiễm môi trường trong TP. Để thực hiện chiến dịch đầy tham vọng trên, chính quyền Oslo đặt mục tiêu giảm khoảng 1/3 lưu lượng ô tô so với năm 2015, đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên dành thêm làn đường cho người đi xe đạp và người đi bộ.
Đặc biệt, giới chức TP hy vọng rằng tất cả các phương tiện giao thông trong TP phải bảo đảm yêu cầu không phát thải khí thải. Trước đó, giới chức Oslo đã ban hành lệnh cấm ô tô vào trung tâm TP bắt đầu từ năm nay, với hy vọng sẽ giảm tải một lượng lớn ô tô lưu thông trên đường phố, nhờ đó khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hay đi bộ. Tại trung tâm Thủ đô Oslo, những chỗ đậu xe trên đường phố hiện đã được thay thế thành làn đường dành cho xe đạp, ghế dài và tiểu công viên. Vào đầu năm nay, Oslo cũng loại bỏ 700 chỗ đậu xe nhằm khuyến khích người dân không lái xe trong khu vực, cải thiện lưu lượng giao thông, tăng thêm diện tích cho không gian công cộng.
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí CO2, Oslo cũng đẩy mạnh việc phát triển hệ thống giao thông công cộng. Hiện số lượng phương tiện giao thông công cộng tại Oslo đã tăng 50% tính từ năm 2007, đặc biệt khoảng 56% số phương tiện này sử dụng nhiên liệu từ nguồn năng lượng tái tạo. Na Uy được biết đến là một trong những nước sản xuất dầu và khí đốt lớn trên thế giới, nhưng bằng chiến lược và tầm nhìn của mình, Oslo dường như không muốn tận dụng lợi thế đó. Cuộc “cách mạng xanh” mà giới chức TP này thúc đẩy trong những năm qua được xem là cơ sở để Oslo hoàn thành mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030.
Mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 của Oslo nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân TP. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, mục tiêu trên mang lại nhiều lợi ích cho TP khi loại bỏ gần như tất cả lượng khí thải sẽ giúp không khí sạch hơn. Phần lớn người dân Oslo ủng hộ các mục tiêu phát triển xanh và bền vững mà chính quyền TP đề ra. Nhiều cư dân Thủ đô Na Uy sẵn sàng thay đổi lối sống của mình, góp phần bảo vệ môi trường và tin rằng chính họ sẽ hưởng lợi từ những thành quả về chất lượng sống.
Điều đặc biệt nhất, thông báo mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030, chính quyền Oslo không chỉ thêm một lần truyền cảm hứng bảo vệ môi trường cho tất cả công dân và DN TP, mà còn đối với người dân trên thế giới, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hệ quả nặng nề đối với môi trường, sinh thái.