Oxfam: Trốn thuế khiến 124 triệu trẻ em mất cơ hội đến trường

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo của Oxfam vừa tiết lộ danh sách 10 "thiên đường trốn thuế" tồi tệ nhất thế giới.

Báo cáo “Cuộc đua thuế” của Oxfam cho biết cách thức các thiên đường thuế đang dẫn dắt cuộc đua xuống đáy toàn cầu về thuế thu nhập doanh nghiệp làm thất thoát của các quốc gia hàng tỷ USD cần cho công cuộc xóa nghèo đói và bất bình đẳng.
 

Danh sách đầy đủ các thiên đường thuế tồi tệ nhất trên thế giới như sau, xếp theo mức độ nghiêm trọng: (1) Bermuda (2) Quần đảo Cayman (3) Hà Lan (4) Thụy Sỹ (5) Singapore (6) Ireland (7) Luxembourg (8) Curaçao (9) Hồng Kông - Trung Quốc (10) Cộng hòa Síp  (11) Bahamas (12) Jersey (13) Barbados, (14) Mauritius và (15) Quần đảo British Virgin. Vương quốc Anh không xuất hiện trong danh sách, nhưng bốn vùng lãnh thổ thuộc quốc gia này lại góp tên bao gồm: Quần đảo Cayman, Jersey, Bermuda và Quần đảo British Virgin.
Oxfam xây dựng danh sách “Thiên đường thuế tồi tệ nhất trên thế giới” dựa trên ba tiêu chí: thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0%, có các ưu đãi thuế không công bằng, thiếu hiệu quả và thiếu hợp tác quốc tế trong việc chống lại hành vi tránh thuế (bao gồm các biện pháp tăng cường minh bạch tài chính).
Nhiều quốc gia trong danh sách “tồi tệ nhất” đã bị nghi vấn có liên quan trong các vụ bê bối về thuế. Ví dụ như Ireland với thỏa thuận thuế với Apple, cho phép công ty công nghệ toàn cầu khổng lồ chi trả mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 0,005% tại quốc gia này. Quần đảo British Virgin là nơi tọa lạc của hơn một nửa trong số 200,000 công ty ”ma” do Mossack Fonseca thành lập –  công ty luật có vai trò trọng yếu trong bê bối Hồ sơ Panama.
Theo bà Esme Berkhout, Cố vấn chính sách thuế của Oxfam: “Thiên đường thuế đang giúp các doanh nghiệp lớn chiếm đoạt từ các quốc gia hàng tỷ USD/năm. Các doanh nghiệp đang tiếp tay cho một hệ thống kinh tế vô cùng bất công, khiến hàng triệu người mất đi hầu hết các cơ hội cải thiện cuộc sống tốt hơn.”
Hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia khiến các nước nghèo mất đi ít nhất 100 tỷ USD hàng năm. Số tiền này đủ để tạo cơ hội cho 124 triệu trẻ em thất học được đến trường và cứu sống ít nhất 6 triệu trẻ em mỗi năm.
Tuy nhiên, báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng thiên đường thuế chỉ là một phần của vấn đề. Các quốc gia trên khắp thế giới đang cắt giảm thuế cho doanh nghiệp để cạnh tranh thu hút đầu tư. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình của các nước nhóm G20 là 40% vào 25 năm trước. Hiện nay, con số này xuống dưới 30%. Ưu đãi thuế tốn kém và không hiệu quả đang được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Ví dụ như, ưu đãi thuế khiến Kenya tốn 1,1 tỷ USD/năm – gần gấp đôi toàn bộ ngân sách cho y tế của quốc gia này.