Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

P4G: Việt Nam coi nhân lực là động lực cho phát triển bền vững

Kinhtedothi - Các chuyên gia và đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc lồng ghép các chương trình, hoạt động giáo dục "xanh" trong nhà trường để nâng cao nhận thức, kĩ năng cho giáo viên và học sinh, qua đó thúc đẩy phát triển xanh từ gốc.

Sáng 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chủ trì phiên thảo luận về chủ đề "Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai".

Quang cảnh phiên thảo luận về đầu tư, phát triển nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 tại Hà Nội ngày 17/4. Ảnh: Minh Thu

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ luôn xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

"Việt Nam luôn quan tâm đến việc đầu tư cho giáo dục, coi đó là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội," Thứ trưởng khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua tối ưu hóa tài nguyên, giảm rác thải và thúc đẩy phát triển bền vững là một trong những nền tảng để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Vai trò của giáo dục là phát triển các ngành, nghề gắn với kinh tế tuần hoàn và đào tạo nguồn nhân lực có năng lực thích ứng và dẫn dắt quá trình chuyển đổi,” ông nói.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế thuận lợi để phát triển các ngành, nghề gắn kết với phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tạo nền tảng cho phát triển nhân lực xanh.

Ông cho rằng ngành giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học sẽ cần cập nhật và phát triển các chương trình đào tạo mới, tập trung vào phát triển các kỹ năng và chuyên môn học thuật, phục vụ các lĩnh vực then chốt, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn.

Các lĩnh vực đó bao gồm công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, công nghệ môi trường, quản lý chất thải, tái chế vật liệu, logistics xanh và thiết bị sản phẩm bền vững.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng chỉ rõ những ưu tiên khác như phát triển mô hình giáo dục-doanh nghiệp gắn kết thực tiễn tuần hoàn, tăng cường hợp tác quốc tế và tiếp cận tri thức xanh, và ưu tiên đầu tư và hỗ trợ chuyển đổi nghề xanh tại địa phương.

“Cần có chính sách ưu tiên đào tạo lại và chuyển đổi nghề cho lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi, để đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, để bắt kịp xu hướng toàn cầu, các quốc gia cần nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo và thích ứng nhanh với công nghệ xanh.

Đại diện ADB khuyến nghị các quốc gia cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, xây dựng các chương trình giảng dạy “xanh” ở mọi lứa tuổi học sinh, ở mọi mảng giáo dục, gắn sát với thực tiễn, phát triển một môi trường học tập suốt đời nhằm bắt kịp tốc độ tiến bộ của ngành xanh.

Theo ông, khoảng 60% thanh niên Việt Nam hiện chưa có đủ kỹ năng cần thiết để làm việc trong nền kinh tế xanh vào năm 2030.

Ông Shantanu Chakraborty đề nghị các chính phủ đưa ra các chính sách ưu đãi trong phát triển cơ sở đào tạo, miễn giảm thuế, đến tài trợ nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là xây dựng khung kỹ năng và trình độ quốc gia về chuyển đổi xanh.

"Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc chuẩn hóa và lan tỏa các chương trình đào tạo chất lượng," Giám đốc ADB Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, ADB cũng kêu gọi các cơ quan quản lí nhà nước, trường học và cơ sở giáo dục, và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai các chương trình đào tạo linh hoạt để thu hẹp khoảng cách kỹ năng, hỗ trợ người lao động và cộng đồng địa phương tăng cường tham gia vào các sáng kiến xanh, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, lực lượng lao động xanh là yếu tố nền tảng để thực hiện các mục tiêu khí hậu.

Quá trình chuyển đổi này sẽ đặt ra những thách thức lớn về năng lực, đòi hỏi xây dựng các mô hình giáo dục linh hoạt, cập nhật và mang tính đổi mới cao, bà Ramla Khalidi phát biểu.

Đại diện UNDP ghi nhận nhiều chương trình, sáng kiến tại Việt Nam mang tính tiên phong hướng tới phát triển bền vững, bao gồm các chương trình đào tạo nghề xanh, thúc đẩy kỹ năng số và tư duy thích ứng trong giới trẻ.

Theo bà Khalidi, công việc xanh hiện chỉ chiếm khoảng 4% thị trường lao động, nhưng có tiềm năng tăng gấp 10 lần trong thập kỷ tới.

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam cho biết, từ nay đến năm 2030, UNESCO sẽ tiếp tục đẩy mạnh giáo dục vì phát triển bền vững, lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường và thích ứng khí hậu vào chương trình học chính khóa và ngoại khóa.

Ông cũng bày tỏ sự hài lòng với việc triển khai các chương trình giáo dục xanh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia tích cực của các trường học và toàn hệ thống giáo dục cơ sở, qua đó thúc đẩy cách tiếp cận lồng ghép vấn đề môi trường và áp dụng các nguyên tắc xanh vào mô hình Trường học hạnh phúc.

Phát biểu tại phiên thảo luận, PGS,TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng giáo dục phổ thông là giai đoạn đặc biệt quan trọng để gieo mầm tư duy xanh, phát triển bền vững ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Việc tích hợp các nội dung về môi trường, khí hậu, phát triển bền vững vào các môn học như khoa học tự nhiên, địa lý, giáo dục công dân… cần được đẩy mạnh, theo hướng thực tiễn, liên ngành và tạo hứng thú cho học sinh, ông nhấn mạnh.

Việc xây dựng các mô hình trường học xanh, tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài trời, nâng cao nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường cũng được xem là phương pháp giáo dục hiệu quả để dần dần hình thành tư duy xanh cho học sinh, chuyên gia này nói.

Ông Nhượng cũng lưu ý các hoạt động đào tạo giảng viên nòng cốt, nâng cao năng lực sư phạm về giáo dục vì phát triển bền vững và kỹ năng lồng ghép trong giảng dạy cũng phải được chú trọng.

P4G Việt Nam 2025: Đầu tư khí hậu cần đòn bẩy công – tư

P4G Việt Nam 2025: Đầu tư khí hậu cần đòn bẩy công – tư

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính ra sân bay tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Thủ tướng Phạm Minh Chính ra sân bay tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

15 Apr, 03:53 PM

Chiều 15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã rời Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 - 15/4 theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ