Pakistan cáo buộc Ấn Độ chống lại thỏa thuận với Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tư lệnh quân đội Pakistan vừa cáo buộc cơ quan tình báo của Ấn Độ đã lên kế hoạch chống lại thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá hàng chục tỷ USD giữa Pakistan với Trung Quốc.

Tại thành phố cảng Gwadar, Tướng Raheel Sharif, người đứng đầu lực lượng quân đội Pakistan đã tuyên bố, quốc gia láng giềng Ấn Độ đã công khai thực hiện âm mưu chống phá này.

Năm ngoái, Pakistan đã thông qua các dự án về năng lượng và cơ sở hạ tầng với Trung Quốc trị giá 46 tỷ USD nhằm thiết lập Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc (CPEC) kết nối miền Tây Trung Quốc với biển Ả Rập, phát triển kinh tế của đất nước và khu vực. Hợp tác với Trung Quốc đã góp phần thay đổi cục diện chính trị tại Pakistan, tăng vị thế của nước này trong khu vực. Nhưng Ấn Độ không hài lòng với mối quan hệ hợp tác này và tìm cách chống phá các thỏa thuận giữa Pakistan và Trung Quốc.
Thành phố cảng Gwadar, tỉnh Baluchistan, trung tâm của hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan hoặc gọi là CPEC
Thành phố cảng Gwadar, trung tâm của hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC).
Pakistan từ lâu đã cáo buộc Ấn Độ đào tạo và tài trợ cho các chiến binh ly khai tiến hành một cuộc nổi dậy ở Baluchistan, thuộc Pakistan, nơi tiếp giáp với Iran và Afghanistan, là nơi hoạt động của các nhóm phiến quân người Sunni chống lại chính quyền Tehran của người Shitte. 

Hôm 30/3, nhà chức trách Pakistan thông báo đã bắt giữ một điệp viên Ấn Độ, xác định là Kulbhushan Jadhav do bị nghi ngờ tham gia vào hoạt động lật đổ chế độ Pakistan ở tỉnh Baluchistan. Quân đội Pakistan cũng phát sóng đoạn băng video khẳng định rằng ông Kulbhushan Jadhav đã làm việc ra khỏi căn cứ của mình tại Chabahar ở nước láng giềng Iran.

New Delhi đã xác nhận rằng Jadhav là một cựu sĩ quan hải quân, nhưng bác bỏ cáo buộc làm gián điệp cho Ấn Độ tại Pakistan. New Dehli bày tỏ sự phẫn nộ khi Pakistan phát sóng đoạn video về Jadhav, đồng thời cho biết, đã tìm cách tiếp cận với các cơ quan ngoại giao để giải quyết vụ việc nhưng phía Pakistan vẫn chưa đưa ra câu trả lời.

Tướng Sharif khẳng định, CPEC như một hành lang của hòa bình và thịnh vượng, không chỉ đối với người dân Pakistan và Trung Quốc, mà còn cho khu vực và xa hơn nữa. "Vì vậy, điều quan trọng là tất cả để lại phía sau những thách thức đối đầu, và tập trung đi vào hợp tác phát triển" – Tướng Sharif bày tỏ.