Palmyra - bi kịch của viên ngọc quý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày này có lẽ không có TP nào trên thế giới được nhắc đến nhiều và với sự quan tâm sâu sắc, lo ngại thật sự như TP Palmyra ở Syria.

Palmyra - bi kịch của viên ngọc quý - Ảnh 1
Nguyên do là TP này vừa mới bị quân đội của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công và chiếm giữ. Dư luận quan tâm và lo âu không phải trước hết và chủ yếu bởi IS vẫn còn đủ mạnh ở Iraq và Syria để đánh bật quân đội Chính phủ Iraq và Syria ra khỏi TP lớn như Palmyra mà bởi, Palmyra là TP cổ độc nhất vô nhị trên thế giới và là di sản văn hóa thế giới được tổ chức UNESCO công nhận. TP này có giá trị lịch sử, văn hóa và khảo cổ vô cùng to lớn. IS đã bất chấp tất cả những giá trị ấy trong cuộc chiến tranh hiện tại ở Iraq và Syria. Nhiều khả năng IS sẽ phá hủy những di tích lịch sử và văn hóa ở Palmyra như đã làm ở những TP cổ khác ở Iraq và Syria.

Palmyra được gắn cho biệt danh là viên ngọc quý. Từ một ốc đảo giữa sa mạc ở Syria ngày nay, Palmyra được hình thành và phát triển thành một trong những đô thành lớn nhất thế giới thời cổ đại và trung tâm thương mại sầm uất nhất thế giới đương thời. Thời ấy cách thời nay gần 5000 năm. Kiến trúc đô thị bao gồm nhà cửa và đường xá ở Palmyra là kết quả giao thoa của nhiều nền văn hóa cực thịnh đương thời, đặc biệt của vùng cận đông với đế chế La Mã ở châu Âu. Trải qua rất nhiều thăng trầm, Palmyra trở thành đô thị có đông người theo đạo Hồi sinh sống. Đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, đô thành này bị bỏ hoang và dần trôi vào quên lãng. Cho tới tận đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân suy vong của Palmyra. Năm 1751, một đoàn thám hiểm của Anh tìm lại được Palmyra giữa sa mạc và cuộc sống từ đó trở lại với TP cổ này. Nó dần trở lại thành đô thị lớn và một trung tâm du lịch ở Syria. Nhưng xem ra, bi kịch trong số phận của nó đến nay vẫn chưa hết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần