70 năm giải phóng Thủ đô

PC 50 tìm dấu vết “ảo” của tội phạm công nghệ cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tội phạm truyền thống, khi phạm tội sẽ để lại dấu vết, như dấu vân tay, tóc, các vết giằng co với nạn nhân tại hiện trường... Nhưng với tội phạm sử dụng công nghệ cao thì các dấu vết chỉ là “ảo”.

Khó khăn những ngày đầu thành lập

Mới được thành lập từ cách đây 2 năm với 42 cán bộ chiến sĩ, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội đã liên tục lập nhiều chiến công. Hàng loạt vụ án “đình đám” được khám phá như vụ cài phần mềm nghe lén trên 14.000 thuê bao điện thoại di động, bắt giữ các đối tượng tung tin nữ sinh bị giết, vụ “ông chú Viettel”... đã ghi dấu “thương hiệu” của các chiến sĩ PC50 trong lòng người dân Thủ đô.
Một số đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao đang được PC50 điều tra.
Một số đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao đang được PC50 điều tra.
Vào thời điểm chính thức được thành lập (8/2013), lực lượng của PC50 chủ yếu chuyển về từ Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP; không có trụ sở làm việc chính thức và phải đóng phân tán ở 4 địa điểm khác nhau. Thời điểm ấy, có những đội họp giao ban phải đứng vì diện tích phòng không đáp ứng đủ. Trang thiết bị còn khó khăn, đường truyền internet tốc độ cao còn hạn chế, mọi hoạt động nghiệp vụ hầu như thông qua các thiết bị điện thoại, máy tính bảng.

Tuy còn khó khăn nhưng vượt lên trên hết, cán bộ chiến sĩ PC50 đã nêu cao tinh thần phòng chống tội phạm, thực hiện các đợt tấn công mạnh mẽ vào tội phạm sử dụng công nghệ cao, bắt gọn nhiều đối tượng. Tính đến cuối năm, tức là chỉ sau 4 tháng thành lập, PC50 đã triệt phá được 31 vụ việc, ổ nhóm với 53 đối tượng, chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố 11 vụ với 31 đối tượng; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố hành chính 20 vụ với 21 đối tượng.

Kể từ những ngày đầu bắt tay vào làm lính công nghệ, các chiến sĩ đã phải tự mày mò, học hỏi từ các chuyên gia. Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ thông tin được cập nhật từng ngày, từng giờ bắt buộc lính công nghệ phải liên tục cập nhật các kiến thức mới có thể hoàn thành tốt nghiệm vụ. Đến nay, các chiến sĩ PC50 đã phá nhiều vụ án “đình đám”, tạo tiếng vang trong dư luận như giả danh công an, tòa án, giả thông báo trúng thưởng chương trình khuyến mại của nhà mạng để lừa đảo, phá hàng chục vụ án các đối tượng người nước ngoài làm thẻ giả để rút tiền ngân hàng, chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng...

“Mọi sự việc đều để lại dấu vết”

Các chiến sĩ phải ngụp lặn trong ma trận “ảo” công nghệ số để tìm ra dấu vết của kẻ phạm tội. Điều này càng khó khăn hơn khi hiện nay, các phương tiện kỹ thuật số ngày càng hiện đại, hỗ trợ tối đa cho con người trong việc kết nối với bên ngoài mọi lúc mọi nơi, cũng đồng nghĩa với mặt tiêu cực là tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng có thêm nhiều kỹ thuật để thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ cần một thiết bị cá nhân thông minh có thể truy cập wifi hay sử dụng 3G là tội phạm sử dụng công nghệ cao hoàn toàn có đủ khả năng tiến hành các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, internet.

Theo thượng tá Ngô Minh An – Phó Phòng PC50: “Chúng tôi tâm niệm, mọi sự việc diễn ra đều để lại dấu vết, kể cả dấu vết “ảo”. Việc của PC50 là đưa các dấu vết này, dù là “ảo”, ra ngoài ánh sáng”. Mới đầu năm nay, vụ việc các đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên các mạng xã hội về một nữ sinh bị hiếp dâm, chết lõa thể ngay tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã gây xôn xao dư luận, thông tin trên thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng và liên tục được các tài khoản facebook cá nhân chia sẻ, gây hoang mang về tình hình an ninh trật tự của TP. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm ra thủ phạm thật sự lại vô cùng vất vả, bởi đối tượng đã dùng phần mềm hack và cướp tài khoản của người dùng facebook rồi lại dùng chính tài khoản đó để đăng tin. Vì vậy, các chiến sĩ phải sàng lọc qua hàng chục tài khoản mới tìm được kẻ chủ mưu thực sự.

Thiếu tá Lê Ngọc Trí - Đội trưởng Đội 5, PC50 cho biết, các bộ chiến sĩ đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, nghiên cứu từ dấu vết các lần truy cập trên máy tính để xác định địa chỉ IP (địa chỉ mà máy tính sử dụng để nhận diện và liên lạc trên mạng) của đối tượng. Cũng từ các dữ liệu trên máy tính, chiến sĩ Đội 5, PC50 đã điều tra ra các đường link dẫn đến đâu, ai đăng nhập, địa chỉ IP nơi truy cập của kẻ phát tán thông tin. Đồng thời, từ những đường link có dạng thức tương tự, các trinh sát đã phát hiện ra đối tượng đăng tải các thông tin trên. Sau khi khai thác, đến ngày 23/4, các trinh sát đã làm rõ 2 đối tượng tung tin "nữ sinh bị hiếp và giết" ở Hà Nội là Ngô Bá Sơn (31 tuổi, ở Nam Định) và Vũ Văn Bằng (26 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và triệu tập hai đối tượng này để điều tra. Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, các trinh sát đã đấu tranh làm rõ toàn bộ quá trình “sáng tác” và đưa thông tin lên mạng của hai đối tượng.

Với những gì đã làm được, PC50 đã để lại dấu ấn tốt đẹp với người dân Thủ đô.