70 năm giải phóng Thủ đô

PC-Covid: “Vũ khí” chống dịch hiệu quả

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là ứng dụng dùng chung duy nhất cho công tác phòng, chống dịch, PC-Covid đang dần phát huy được thế mạnh của mình nhờ cộng đồng người sử dụng lớn cũng như tích hợp các nền tảng công nghệ hiện đại.

Phát huy “sức mạnh” ngay tại Thủ đô

Mới chỉ ra mắt chưa đầy 1 tháng (30/9) nhưng tới thời điểm này PC-Covid đã dần thể hiện được vai trò của mình khi là ứng dụng dùng chung bảo đảm xuyên suốt và hiệu quả phòng, chống dịch cho cả người dân lẫn cơ quan chức năng.

Theo số liệu từ Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, tính đến hiện tại, PC-Covid đã có hơn 53 triệu lượt cài đặt và gần 28 triệu người dùng thường xuyên. Với những con số này, PC-Covid đang là ứng dụng liên quan tới phòng, chống dịch có cộng đồng người sử dụng lớn nhất tại Việt Nam.

 PC-Covid hiện là ứng dụng chống dịch có lượng người sử dụng đông nhất
Tại các địa phương trên cả nước, PC-Covid cũng đang là công cụ chính được sử dụng trong quá trình, phòng chống dịch từ quét mã QR, khai báo y tế cho đến tiêm chủng …. Từ đó trợ giúp đắc lực cho các cơ quan y tế thuận tiện và nhanh chóng trong việc quản lý cũng như truy vết các ca F0, F1 trong cộng đồng.

Tiêu biểu là tại Hà Nội - một điểm nóng về phòng, chống dịch trong thời gian qua, PC-Covid đã bộc lộ được rõ sự cần thiết của mình. Theo thống kê, tính tới hiện tại, số lượng smartphone có cài đặt PC-Covid trên địa bàn TP đã đạt tới con số hơn 3,6 triệu, chiếm hơn 54% tổng số điện thoại thông minh đang có. Đồng thời tỷ lệ cài mới cũng đạt hơn 7.000 smartphone mới ngày.

Chỉ tính riêng trong ngày 17/10, đã có 106 người khai báo ho, sốt qua PC-Covid, chiếm quá nửa tổng số lượt khai báo cộng gộp qua cả tokhaiyte. Số địa điểm QR Code có lượt quét mã QR phát sinh trung bình đạt gần 70.000 địa điểm/ngày cùng số lượt quét vào khoảng 270.000 lượt/ngày.

Cũng chính từ sự phổ biến này, vào đầu tháng 10 vừa qua, PC-Covid đã giúp truy vết được 379 trường hợp liên quan đến các ca F0 tại ổ dịch trong cộng đồng ở Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông và chợ Đình, phường La Khê, quận Hà Đông.

Cụ thể, trong quãng thời gian từ 1-5/10, ngay khi phát hiện những ca F0 trong cộng đồng từng xuất hiện ở các địa điểm trên, công tác dập dịch đã lập tức được thực hiện. Với việc truy vết dữ liệu từ việc quét mã QR bằng PC-Covid công tác khoanh vùng, xác định ca bệnh và những người liên quan đã được tiến hành nhanh chóng, giảm bớt lượng lớn thời gian so với trước đây.

Hay như vào giai đoạn tháng 8/2021, cũng chính từ việc theo dõi quét mã QR, Hà Nội đã nhanh chóng phát hiện ra 5.500 người có liên quan đến chùm 21 ca dương tính tại Công ty thực phẩm Thanh Nga. Nhờ vậy, điểm dịch này đã được dập tắt kịp thời mà không có sự lây nhiễm bùng phát nào diễn ra.

Nói về việc Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định Bộ đánh giá rất cao những nỗ lực này của TP. Trong giai đoạn nới lỏng giãn cách và mở lại một số dịch vụ kinh doanh, Hà Nội đã rất quyết liệt trong việc triển khai quét mã QR nhằm duy trì sự an toàn của người dân. Đây là công tác rất hữu ích cần được nhân rộng trên cả nước.

Các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch mang tính "phòng bệnh hơn chữa bệnh", có nghĩa là ứng dụng công nghệ ngay từ giai đoạn ổn định sẽ giúp kiểm soát và khoanh vùng khi dịch bùng phát có được hiệu quả lớn hơn rất nhiều. Bộ TT&TT mong muốn Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ vào công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng chia sẻ.

PC-Covid liên tục được hoàn thiện

Với việc là một ứng dụng mang tính phức tạp cao khi hội tụ nhiều tính năng của các phần mềm Bluezone, NCOVI, VHD cũng như được tích hợp hàng loạt tính năng từ nhiều nền tảng công nghệ thì chuyện xảy ra trục trặc là điều không thể tránh khỏi. Cần lưu ý, PC-Covid được hoàn thiện chỉ đúng 2 tuần kể từ khi có yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất, phát triển một ứng dụng phòng chống dịch duy nhất.

Tiếp thu ý kiến từ cộng đồng người dùng cũng như đội ngũ chuyên gia, trong vòng hơn 2 tuần kể từ khi ra mắt, PC-Covid đã liên tục có những bản cập nhật nhằm tối ưu hóa giao diện cho đến chỉnh sửa những thiếu sót gặp phải. 

Tính tới thời điểm hiện tại, những lỗi phát sinh trong giai đoạn đầu sử dụng PC-Covid như không nhận được mã OTP, không đồng bộ hóa được dữ liệu …. đã được khắc phục hoàn toàn. Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia, mọi phản hồi của người dùng nếu hợp lý sẽ ngay lập tức được chỉnh sửa trong thời gian sớm nhất. 

Với một ứng dụng có lưu trữ lượng rất lớn thông tin người dùng như PC-Covid thì bảo mật cũng luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu mà liên tục được hoàn thiện. Đây cũng được xem là một trong những rào cản lớn nhất của người dùng tiếp cận với một ứng dụng có tầm quốc gia như PC-Covid.

Được biết, ngay trong quá trình phát triển và triển khai, đã có hàng loạt đơn vị tham gia vào việc giám sát tính an toàn của PC-Covid. Có thể kể đến như: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng (BTL86, Bộ Quốc phòng), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam VNISA cùng cộng đồng doanh nghiệp CNTT.

Mỗi khi ứng dụng chuẩn bị đưa ra bản cập nhật, bản thử nghiệm đều được đưa ra để kiểm định trước về tính năng cũng như độ bảo mật. Việc này được thực hiện không chỉ trên phiên bản PC-Covid đang hoạt động mà còn đi sâu vào trong mã nguồn của ứng dụng này. Tới thời điểm hiện tại, các đơn vị đều đảm bảo ứng dụng đã được xây dựng theo chuẩn, đảm bảo an toàn, phù hợp với đặc điểm phòng, chống dịch hiện nay.

Đáng chú ý, với nỗi lo về việc lộ thông tin cá nhân thông qua mã QR trên PC-Covid, vấn đề này đã đượcc giải quyết triệt để trong phiên bản mới. Theo đó, khi chọn chế độ ẩn thông tin cá nhân trên mã QR Code trong phần cài đặt, thông tin người dùng sẽ được mã hóa theo quy chuẩn. Muốn hiển thị lại thông tin cụ thể, người dùng chỉ cần chạm lại vào mã QR. Mã QR ở chế độ ẩn thông tin sẽ có viền vàng nhạt vòng quanh. Mã QR trong PC-COVID còn có thể phóng to trong vòng 30 giây để đọc/quét ở vị trí xa.

Ngoài ra, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng đã kết hợp cùng tổ chức VNSecurity tạo nền tảng BugRank nhằm kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng, chuyên gia để tìm ra những lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch nói chung và ứng dụng PC-Covid nói riêng.

Được biết, chỉ hơn 1 tháng vận hành, thông qua BugRank đã có 44 lỗi bảo mật được ghi nhận tại các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch trong đó có 16 lỗi được đánh giá là nghiêm trọng. Những phát hiện này đã đóng góp tối quan trọng vào việc hoàn thiện các nền tảng công nghệ chống dịch đang được sử dụng hiện nay.