Thế nhưng, tại Myanmar sắp tới, nhiệm vụ săn vàng với các võ sĩ Việt Nam chẳng dễ dàng.
Thi đấu theo chỉ định
Tại SEA Games 27, với "quyền" đặc biệt của nước chủ nhà, Myanmar đang khiến nhiều đoàn thể thao phải đau đầu vì những quy định chẳng giống ai. Mục đích cuối cùng chính là việc không cho các cường quốc thể thao trong khu vực dễ dàng kiếm huy chương. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, với cách bày binh bố trận như hiện nay, đoàn thể thao Myanmar sẽ đứng đầu khu vực về tổng sắp huy chương.
Một trong những quyết định gây tranh cãi nhưng không thể thay đổi của BTC SEA Games là cắt giảm số bộ huy chương của môn Pencak Silat từ 18 xuống còn 15. Đáng nói, tất cả những nội dung cắt giảm đều là thế mạnh của Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, tại hạng cân dành cho nữ, chủ nhà Myanmar đưa ra những quy định chẳng giống ai. Các VĐV sẽ chỉ được tham dự những nội dung theo sự chỉ định của BTC giải. Bên cạnh đó, BTC SEA Games còn đưa ra quy định khống chế số nội dung đối kháng mà các đoàn thể thao có thể được tham gia. Theo đó, các nữ VĐV Việt Nam chỉ được tham dự 2 nội dung đối kháng. Điều này chắc chắn làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu giành HCV của các nữ VĐV Pencak Silat Việt Nam.
Đối thủ là… trọng tài
Tại SEA Games 26, Pencak Silat Việt Nam giành được 6 HCV đứng đầu Đông Nam Á . Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn mang tính chủ quan, Pencak Silat Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đứng đầu về số bộ huy chương. Để hoàn thành được mục tiêu này thì đòi hỏi các nhà chuyên môn của Pencak Silat Việt Nam phải có chiến lược thật sự uyển chuyển cùng sự đấu tranh hậu trường quyết liệt.Điều cần thiết nhất lúc này là lãnh đội môn Pencak Silat Việt Nam phải có được sự ứng biến một cách linh hoạt khi bước vào thi đấu. Việc chọn VĐV nào thi đấu trong từng nội dung cụ thể cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng bởi chúng ta không có nhiều lựa chọn khi mà BTC đưa ra nhiều rào cản mang tính kỹ thuật.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của Pencak Silat Việt Nam chính là công tác trọng tài. Tại SEA Games 26 trên đất Indonesia, nhiều lần BHL đội Pencak Silat Việt Nam đã phải nổi đóa trước sự xử ép của các trọng tài điều khiển trận đấu. Thậm chí, có trường hợp VĐV của Việt Nam đánh gục đối phương nhưng vẫn bị xử thua. Điều này xuất phát từ việc, các trọng tài của Việt Nam bị BTC SEA Games bằng rất nhiều cách loại khỏi cuộc chơi.
Nguy cơ từ công tác trọng tài lại hiện hữu khi tại SEA Games lần này, nước chủ nhà Myanmar chỉ triệu tập 1 trọng tài Việt Nam sang làm nhiệm vụ. Đây là điều trái với thông lệ bởi Việt Nam là cường quốc Pencak Silat thế giới. Thế nhưng, Myanmar lại phân Pencak Silat Việt Nam thuộc nhóm kém phát triển nên chỉ có 1 trọng tài.
Trước thềm SEA Games, nước chủ nhà Myanmar đã thẳng thừng ra điều kiện ở nhiều nội dung thi đấu. Trong số này, Vovinam và Pencak Silat là hai môn thể thao mà họ đặt nhiều yêu sách nhất. Có lẽ vì điều này mà gánh nặng dành cho Pencak Silat Việt Nam sẽ lớn hơn khi mà chỉ tiêu giành huy chương không giảm.
Pencak Silat Việt Nam đối diện với một kỳ SEA Games đầy khó khăn. Ảnh: An An
|