Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Petrovietnam 14 năm liên tiếp trong Top 3 VNR500

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục góp mặt trong Top 3 trong Bảng xếp hạng VNR500. Đây là năm thứ 14 liên tiếp, Petrovietnam đứng trong 3 vị trí dẫn đầu các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021.
Đây là năm thứ 14 liên tiếp, Petrovietnam đứng trong 3 vị trí dẫn đầu các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 15 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường và là đầu tàu của nền kinh tế trong giai đoạn đầy chông gai thử thách do tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, xếp hạng Vietnam Report chủ yếu dựa trên chỉ tiêu tổng doanh thu và có xét đến các chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả kinh doanh khác (tổng tài sản, tổng số lao động, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông) để đánh giá hiện trạng sức mạnh tổng thể của doanh nghiệp.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứng gãy. Hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ nặng nề. Dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đặc biệt, việc tiêu thụ các sản phẩm dầu khí hết sức khó khăn, sản lượng huy động khí, điện giảm sút mạnh, các dịch vụ dầu khí khan hiếm việc làm, đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu ngày càng lớn sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế...
Lãnh đạo Petrovietnam màng công hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác dầu năm 2021.
Trong bối cảnh đó, Petrovietnam đã nỗ lực giữ an toàn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược cho đất nước, góp phần bình ổn thị trường và an ninh năng lượng quốc gia. Qua đó, trong 10 tháng năm 2021, Petrovietnam nộp ngân sách Nhà nước ở mức rất cao, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020. Petrovietnam cũng về đích trước thời hạn 39 ngày chỉ tiêu quan trọng là tổng sản lượng khai thác dầu trong và ngoài nước năm 2021, 9,72 triệu tấn vào ngày 22/11/2021.
Ngoài Petrovietnam được vinh danh ở vị trí thứ 3, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành Dầu khí có mặt trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021. Trong đó, Top 50 có Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) xếp thứ 17; Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power)-(43); Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) - (48). Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp khác như: Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - (56); Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO) - (101); Công ty CP PVI- (132); Tổng Công ty Bảo hiểm PVI - (143); PTSC M&C; Petrosetco Distribution; PVFCCo; PVCFC; PVTrans; PV GAS D;…
Người lao động Petrovietnam luôn sát cánh bên nhau vượt qua khó khăn.
Theo Vietnam Report, trải qua gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn. Nhìn chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều cho thấy nền kinh tế đã bị "tổn thương" trên nhiều phương diện và cần nhiều nỗ lực để hướng đến một giai đoạn hồi phục và tiếp tục tăng trưởng. Tính chung trong 9 tháng năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 1,42% và đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986) cho đến nay.
Từ thống kê của Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 cho thấy, hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về tổng doanh thu so với Bảng xếp hạng năm ngoái trừ các ngành bán lẻ, thép, tài chính và điện.
Mặc dù nền kinh tế đã gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng cả về mặt sản lượng quốc gia cũng như hiệu quả hoạt động thấp của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên những tín hiệu lạc quan đã xuất hiện khi mà tình hình dịch bệnh đã dần được khống chế và tỷ lệ người dân tiêm phòng vắc xin tăng lên nhanh chóng. Từ đầu tháng 10/2021, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đã tái khởi động lại và dần chuyển sang giai đoạn "bình thường mới".
Sơ bộ kết quả điều tra cộng đồng doanh nghiệp do Vietnam Report thực hiện trong năm 2021 cho thấy, tổng quan có 56% doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 với gần 40% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh sẽ dần đi vào ổn định và diễn biến thị trường sẽ tốt hơn.