Petroyuan “soán ngôi” petrodollar, không chỉ đồng bạc xanh bị ảnh hưởng?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên thực tế, Trung Quốc ngày càng thúc đẩy nhân dân tệ trở thành đồng tiền cho các giao dịch dầu mỏ, thách thức vị thế dẫn đầu của đồng bạc xanh trên thị trường hàng hóa.

Petroyuan là gì?

Bản chất của petroyuan, so sánh với petrodollar ra sao và nguyên nhân đằng sau động thái thúc đẩy của Trung Quốc là gì?

Petrodollar là doanh thu xuất khẩu dầu thô được tính bằng USD. Thuật ngữ này trở nên phổ biến vào giữa những năm 1970 khi giá dầu tăng cao tạo ra thặng dư thương mại và tài khoản vãng lai lớn cho các quốc gia xuất khẩu dầu.

Doanh số bán dầu được tính bằng USD vì đây vẫn là loại tiền tệ mạnh được sử dụng rộng rãi nhất. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là petrodollar không phải là một loại tiền tệ riêng biệt; chỉ đơn giản là USD được một nhà xuất khẩu dầu chấp nhận làm phương thức thanh toán.

Trong nỗ lực cạnh tranh với petrodollar, Trung Quốc đã đưa ra petroyuan. Trên thực tế, vào năm 2017, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng T.Ư Liên bang Nga đã nhất trí thực hiện các giao dịch dầu mỏ bằng đồng nội tệ Trung Quốc thông qua nền tảng Sàn giao dịch Dầu khí Thượng Hải, bước đầu tiên hướng tới việc chuyển đổi nhân dân tệ thành tiền tệ dầu mỏ.

Vào cuối tháng 3, hoạt động giao dịch dầu thô toàn cầu đã ghi nhận một đối thủ mới gia nhập thị trường. Một sản phẩm được định giá bằng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY, RMB) được gọi là “petroyuan” đã được ra mắt trên Sàn giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải (INE).

Trung Quốc đã tăng lượng nhập dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Iran, Venezuela, Nga và một số khu vực của châu Phi bằng đồng tiền riêng của mình. Ảnh: AP
Trung Quốc đã tăng lượng nhập dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Iran, Venezuela, Nga và một số khu vực của châu Phi bằng đồng tiền riêng của mình. Ảnh: AP

Kể từ khi ra mắt, nhiều nhà cung cấp dầu mỏ lớn của Trung Quốc đã bắt đầu chấp nhận thanh toán dầu mỏ bằng đồng Nhân dân tệ. Nga, Iraq, Indonesia và một số quốc gia khác cũng đã tham gia vào các giao dịch không phải bằng USD.

Trong một thời gian, Trung Quốc đã tăng lượng nhập dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Iran, Venezuela, Nga và một số khu vực của châu Phi bằng đồng tiền riêng của mình - petroyuan.

Động thái của “ông lớn” dầu mỏ

Vào tháng 3/2022, Ả Rập Xê Út đã đàm phán với Bắc Kinh để định giá một số mặt hàng dầu bán cho Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Theo tờ Wall Street Journal, các cuộc đàm phán với Trung Quốc về hợp đồng dầu định giá bằng nhân dân tệ đã diễn ra trong 6 năm và được đẩy nhanh vào năm 2022, trong bối cảnh Ả Rập Xê Út ngày càng không hài lòng với các cam kết an ninh của Mỹ.

Vào tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại Riyadh rằng Bắc Kinh và các quốc gia vùng Vịnh nên tận dụng tối đa Sàn giao dịch dầu khí quốc gia Thượng Hải làm nền tảng để thực hiện thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ cho hoạt động giao dịch dầu khí.

Theo Reuters, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là đối tác hợp tác tự nhiên, dẫn lời ông Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-GCC.

Những bình luận này khiến nhà phân tích Zoltan Pozsar của Credit Suisse khẳng định trong một lưu ý gửi cho khách hàng rằng đây là “sự ra đời của đồng tiền dầu mỏ”.

Theo Pozsar, “Trung Quốc muốn viết lại các quy tắc của thị trường năng lượng toàn cầu”, như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm phi USD hóa các quốc gia thành viên BRICS lúc đó bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, cùng nhiều nơi khác trên thế giới sau khi vũ khí hóa dự trữ ngoại hối bằng USD, sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine.

Hồi đầu năm 2023, Iraq cũng đã đồng ý cho phép giao dịch từ Trung Quốc được thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ thay vì USD.

Cuộc cách mạng mang tên mBridge

Sự phát triển và ảnh hưởng của petroyuan càng được thúc đẩy bởi “cuộc cách mạng" mang tên đồng tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC) - vốn đang đi vào vận hành nghiêm túc khi Ả Rập Xê Út tham gia dự án mBridge. Việc “ông trùm dầu mỏ” gia nhập nền tảng này cho phép họ tiếp cận các giao dịch xuyên biên giới một cách nhanh chóng với chi phí thấp để tiêu thụ dầu cho Trung Quốc, mở ra con đường sáng lạn cho petroyuan.

mBridge là một dự án thanh toán xuyên biên giới sử dụng CBDC bằng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) do Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất phát triển, khởi động từ năm 2017.

Trong vòng 3 năm, mBridge đã được cải tiến và trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt. Nền tảng này đóng vai trò chính trong kế hoạch sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trong thương mại quốc tế của Trung Quốc.

Gần đây, Bandar Al-khorayef, Bộ trưởng Công nghiệp và Tài nguyên khoáng sản Ả Rập Xê Út cho biết, quốc gia này "mở cửa đón nhận những ý tưởng mới" - bao gồm cả việc sử dụng nhân dân tệ trong các giao dịch dầu thô - do nước này muốn kết hợp các sản phẩm của Trung Quốc như xe điện (EV), máy bay chở khách C919 và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.

Với petroyuan, Trung Quốc sẽ sử dụng nhân dân tệ để mua một loại hàng hóa trước đây chỉ giao dịch bằng USD. Quốc gia này sẽ thực hiện dựa trên một hệ thống sử dụng CBDC do PBOC phát hành cùng với mBridge. Nếu nhân dân tệ kỹ thuật số thực hiện giao dịch đầu tiên là mua dầu mỏ, Trung Quốc sẽ "thoát khỏi" đồng USD.

Dù tác động trên quy mô toàn cầu của petroyuan có thể vẫn mạnh và quá trình phi USD hóa diễn ra chậm, song không có nghĩa là cả thế giới sẽ không chứng kiến sự đảo lộn. Cụ thể hơn, hãy nhìn vào cách mà mBridge tạo ra sự thay đổi bằng cách giảm việc sử dụng USD làm trung gian.

Lấy Trung Quốc làm ví dụ. Hiện tại, 77% tổng khối lượng giao dịch ngoại tệ "chảy" vào Trung Quốc được thực hiện thông qua SWIFT, trong đó các giao dịch đều yêu cầu 2 bước trao đổi ngoại tệ, lấy USD làm trung gian từ đó chi phí giao dịch tăng lên.

Còn mBridge sẽ cho phép các quốc gia đang phát triển không muốn phụ thuộc vào đồng USD chuyển tiền dễ dàng. Việc đưa tiền tệ từ BRICS hay các nước đang phát triển khác vào mBridge có thể sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường do sự can thiệp của các ngân hàng T.Ư và các hoạt động thương mại.

Theo Bloomberg, dự án mBridge có thể sẽ đi đến một sản phẩm hoạt động cơ bản sẵn sàng vào cuối năm nay. Nhìn chung, tư cách thành viên của Ả Rập Xê Út trong mBridge báo hiệu sự dịch chuyển khỏi đồng USD, theo Modern Diplomacy. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Ả Rập Xê Út về dầu mỏ và nhân dân tệ được coi là ứng cử viên mạnh nhất để thay thế đồng USD do hoạt động thương mại giữa các quốc gia ngày càng tăng.

Sự thay đổi này sẽ không chỉ giới hạn ở nhân dân tệ của Trung Quốc. Không chỉ việc sử dụng USD trong dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng; mBridge có thể phá vỡ thế độc quyền của SWIFT về thanh toán xuyên biên giới.