Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS.TS Bùi Đình Phong: Tuyên ngôn Độc lập - tỏa sáng khát vọng tự cường

Hà Bình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khơi dậy tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập là khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đại đoàn kết toàn dân tộc…”. PGS. TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị về những giá trị xuyên thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình cách đây 75 năm vào ngày 2/9/1945.

PGS. TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) 
Ý nghĩa xuyên thời đại
Kể từ khi bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 ra đời, giá trị của áng hùng văn về ý chí và khát vọng dân tộc đã được khẳng định. Mỗi lần nghe hoặc đọc lại, cảm xúc trong mỗi người đều rất xúc động và tự hào. Qua nghiên cứu, theo ông đâu là những điểm nhấn nổi bật của văn kiện lịch sử này?
- Theo tôi, đó là thời khắc khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc ta. Tuyên ngôn Độc lập không chỉ tiếp nối dòng chảy văn hóa hàng ngàn năm, khát vọng của dân tộc Việt Nam, mà còn khẳng định những căn cứ pháp lý về quyền con người, quyền dân tộc của Việt Nam, để từ đó khẳng định độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia, quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Tuyên ngôn Độc lập là áng văn bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử mà xuyên qua lịch sử đến hiện tại và tương lai. Để hiểu ý nghĩa sâu xa, phải thấy rằng, văn kiện này được kết tinh từ khát vọng của Việt Nam, dân tộc yêu chuộng hòa bình và luôn hướng tới đấu tranh cho nền hòa bình không chỉ có dân tộc mình, mà còn cho nhân loại tiến bộ. Sau này, Bác Hồ có nói đến ý, “cuộc đời Bác viết nhiều, nhưng đến khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập, mới là tác phẩm Bác cảm thấy tâm đắc nhất”.
Với những ngôn từ đanh thép, cứ liệu khoa học và cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định độc lập, tự do là quyền không thể chối cãi của bất kỳ một dân tộc nào. "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…" và "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Những câu nói đó của Bác trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 không chỉ có ý nghĩa ở thời điểm đó, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thậm chí kể cả sau này, câu chuyện độc lập, tự do, hạnh phúc vẫn là khát vọng của tất cả mọi người, trong đó có dân tộc Việt Nam.
Như ông đã đề cập đến những giá trị “xuyên thời đại” của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 về khát vọng dân tộc, ông có thể nói rõ hơn về những vấn đề này?
- Có thể nói, 75 năm đã trôi qua, đất nước đã có nhiều đổi thay, nhưng những tư tưởng lớn về độc lập dân tộc, đại đoàn kết, dân chủ... mà Hồ Chủ tịch đã viết trong Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn mới với hôm nay. Bây giờ chúng ta vẫn phải luôn luôn nuôi dưỡng ý chí, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc.
Hiện các thế lực thù địch ngụy trang ở nhiều dạng khác nhau, nên chúng ta luôn luôn phải chủ động, đắp bồi ý chí, quyết tâm này. Nhưng độc lập, tự do thôi chưa có ý nghĩa gì, mà phải đi đến hạnh phúc. Đây chính là sợi chỉ đỏ, rường cột trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cho nên chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 3/9, Bác đưa ra các nhiệm vụ cấp bách, cần làm ngay lúc đó nhưng vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay như là chống giặc dốt, chống giặc đói, thực hiện đoàn kết, thực hành dân chủ…
Tại sao tôi nói còn nguyên giá trị, ví như “chống giặc dốt”, dốt lúc đó đơn giản là không biết chữ, nhưng bây giờ đừng nghĩ chúng ta không còn dốt, bởi thời kỳ công nghiệp 4.0, nhưng một bộ phận nào đó vẫn “mù” về ngoại ngữ, về công nghệ... Và như Bác đã nói, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, lúc đó dốt cũng yếu mà bây giờ dốt càng yếu. Tư tưởng của Bác có giá trị “xuyên thời đại” là vậy.
Một giá trị lớn nữa cũng tác động đến sự phát triển của đất nước đó là niềm tin. Chúng ta có Tuyên ngôn Độc lập là nhờ Cách mạng tháng Tám, mà có được Cách mạng tháng Tám là nhờ rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sức mạnh của trí dân, lòng dân, niềm tin của dân. Có niềm tin của dân là có tất cả. Để có niềm tin của dân, có rất nhiều điều phải làm, nhưng điều cực kỳ quan trọng là đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo phải thực sự có tâm, có tầm, vì dân, để chèo lái con thuyền cách mạng.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945.
Lòng dân - quốc bảo để phát triển đất nước
Có ý kiến cho rằng, ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập còn là động lực để phát huy sức mạnh tự cường của dân tộc. Vậy theo ông, có những điểm gì cần lưu ý để phát huy sức mạnh này trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay?
- Theo tôi điều quan trọng nhất là phải xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, cương lĩnh, chủ trương, xuất phát từ thực tiễn cách mạng và khát vọng của Nhân dân. Do đó, phải hiểu dân muốn gì. Như Bác Hồ đã nói, phải nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý. Ai thực thi việc này, đó chính đội ngũ cán bộ, đảng viên, “chí công vô tư”, luôn đặt lợi ích của tổ chức, Nhân dân lên trên hết.
Tôi cho rằng, bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta hun đúc được lòng yêu nước, hun đúc được tính tự tôn, đoàn kết dân tộc như vậy có nghĩa chúng ta có được lòng dân. Đảng ta thường nói, lòng dân là quốc bảo dựng nước, giữ nước. Nhưng tôi muốn thêm, lòng dân là quốc bảo dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Khi nào chúng ta có được lòng dân như thời kỳ Cách mạng tháng Tám thì chúng ta sẽ vượt qua được tất cả.
Một điều quan trọng nữa để đất nước hùng cường là phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự. Lịch sử cho chúng ta một bài học vô giá là khi nào chúng ta cũng phải đi lên bằng nội lực của mình. Chúng ta vẫn cố gắng tranh thủ mọi sự ủng hộ từ bên ngoài, nhưng chỉ có hiệu quả khi chúng ta có nội lực, mà cái nội lực đó kết tinh từ tinh thần dân tộc, ý chí chiến thắng và sức mạnh cơ sở vật chất, nguồn lực con người.
Với một người nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, cảm xúc của ông như thế nào trước dấu mốc 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9?
- Không phải chỉ năm nay, mỗi khi đến dịp Quốc khánh, tôi lại thấy rạo rực niềm vinh quang lớn trước thành quả vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của Bác Hồ. 75 năm qua, có thể nói rằng, đất nước đã phát triển vượt bậc về nhiều mặt, khẳng định được vị thế của mình. Tuy nhiên, vẫn còn những điều chúng ta phải trăn trở, phải làm tốt hơn nữa, đặc biệt là công tác cán bộ, bởi như Bác Hồ đã từng nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Mỗi dịp kỷ niệm, không chỉ để hun đúc thêm niềm tự hào mà còn để thế hệ đi sau, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên thấu hiểu hơn những cống hiến, sự hy sinh vì dân vì nước của những thế hệ trước, từ đó biến thành hành động, biến khát vọng thành chiến thắng, khắc phục cho được những điều cản trở sự phát triển.
Xin cảm ơn ông!

"Có một điểm luôn phải khẳng định: Khát vọng trong Tuyên ngôn Độc lập chính là khát vọng Hồ Chí Minh. Chúng ta đọc và nghiên cứu về tư tưởng, di sản Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng, cả hành động và lời nói; tư tưởng và đạo đức, lý luận và thực tiễn, Bác đều thể hiện rất rõ khát vọng về độc lập và tự do. Khát vọng đó của Bác đã truyền cảm hứng, niềm tin cho người khác" - PGS.TS Bùi Đình Phong.