Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng và tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến đời sống xã hội. Đó là nhận định được PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Sức mạnh của ý Đảng, lòng dânĐến thời điểm này, dù thế giới vẫn đang đương đầu với thảm họa của đại dịch Covid-19, nhưng có thể nói rằng, Việt Nam đang cơ bản khống chế thành công dịch. Vậy theo ông đâu là những điểm nhấn làm nên thành quả đó? - Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, xung quanh chúng ta là những ổ dịch lớn, chúng ta có đường biên trải rộng với Lào, Campuchia, Trung Quốc, nhưng đến nay chúng ta vẫn làm chủ tình hình, số người mắc mới có hơn nghìn người, số người tử vong cũng rất ít. Đã có rất nhiều phân tích về nguyên nhân thành công, dù theo tôi mới là bước đầu vì khó có thể nói trước được diễn biến của dịch.
Theo nhìn nhận của tôi, trước hết là thành công của một chính sách đứng đắn. Ngay từ đầu năm 2020, chúng ta đã đưa ra khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, yêu cầu người dân đeo khẩu trang, “cách ly xã hội”... Đảng, Nhà nước cũng luôn đặt tính mạng của người dân lên trên hết. Toàn bộ sự lãnh đạo, chỉ đạo là tập trung bảo vệ tính mạng và an toàn của người dân, đây là ưu việt của Nhà nước ta, chế độ ta và được Nhân dân ủng hộ. Tiếp theo là tổ chức thực hiện, chúng ta cũng dốc toàn bộ lực lượng, dùng mọi biện pháp, nguồn lực có thể để phòng ngừa và bảo vệ đời sống của người dân. Cả thế giới và Việt Nam đều ghi nhận những đóng góp to lớn và ý nghĩa của lực lượng trực tiếp xung kích chống "giặc Covid- 19" gồm các giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế, quân đội, công an… Họ là những chiến sỹ không quản ngại xả thân, cùng cả nước chiến đấu với dịch... Việt Nam chúng ta cũng là một trong những quốc gia đầu tiên chế tạo ra Kít thử Covid-19, sau đó là bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm vaccine.
Không phải chúng ta tự khen mình, mà “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, chúng ta có quyền tự hào Nhà nước ta đã thành công trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Dư luận thế giới, tổ chức WHO cũng đánh giá như vậy. Tất nhiên, chúng ta không được chủ quan.
Những kết quả đó có ảnh hưởng ra sao tới chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta, thưa ông?
- Phải nói là khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, sau đó là phương châm “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế của chúng ta rất đúng đắn và đến nay đã thành công. Chúng ta là quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được trạng thái “bình thường” trong bối cảnh cả thế giới đang phải căng mình đối phó với dịch bệnh. Chính nhờ sự quyết liệt và thành công trong phòng chống dịch và linh hoạt chọn quyết sách đã tác động đến sự tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, năm 2020 cũng là năm thiên tai tàn khốc, nhưng chúng ta vẫn vượt qua. Đến thời điểm này, có thể nói đất nước ta đã đạt được những thành công quan trọng trên cả hai “mặt trận” - chống dịch và phát triển kinh tế, khi dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, nền kinh tế tăng trưởng gần 3% và có điều kiện để duy trì ổn định cuộc sống người dân. Việt Nam được thế giới ca ngợi là ngọn hải đăng trong chống dịch và là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế. Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng.
Thành công của phòng chống dịch còn tác động làm cho vai trò, vị thế của Việt Nam ở thế giới và khu vực được đề cao. Cũng trong năm 2020, chúng ta thực hiện vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, đảm nhận vai trò “chủ nhà” của nhiều diễn đang quốc tế quan trọng và chúng ta đã làm trọn vẹn, hoàn thành xuất sắc các vai trò; tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện một cách toàn diện, rõ nét.
Về đời sống xã hội, điều tôi ấn tượng nhất chính là trong quá trình phòng chống Covid -19, tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào, đồng chí đã tỏa sáng. Chính trong khó khăn của dịch bệnh, bản chất nhân văn của người Việt đã thực sự phát huy. Khó có thể kể hết hàng trăm, hàng nghìn gương sáng mà chúng ta có quyền nói là “chỉ ở Việt Nam mới có” đã xuất hiện. Cùng đó là tinh thần vượt khó, sáng tạo của người Việt, hơn lúc nào hết được bộc lộ, bởi chúng ta không bao giờ chịu bó tay trước thiên tai dịch họa. Trí tuệ Việt Nam tỏa sáng. Tỏa sáng trong phòng chống dịch của đội ngũ bác sỹ, tỏa sáng trong hoạt động quản lý nhà nước, tỏa sáng khi đi vào những vấn đề gai góc của cuộc sống. Đó là những điểm sáng tôi cảm nhận được trong năm thảm họa Covid này.
Đòi hỏi quyết liệt hơn nữaCùng với thành công bước đầu trong thực hiện “mục tiêu kép”, chắc chắn những thách thức đặt ra trong năm tới cũng không ít, thưa ông?- Đúng vậy, đây là điều không chỉ các cấp lãnh đạo, mà người dân nào cũng có thể nhìn nhận được. Thực tế, trong khi dịch Covid -19 trên thế giới chưa có dấu hiệu lắng xuống, các hoạt động mừng Giáng sinh, năm mới ở nhiều quốc gia đang bị hạn chế do yêu cầu giãn cách chống dịch, thì Việt Nam đang ổn định trong trạng thái bình thường mới. Nhưng năm 2021 vẫn còn nhiều khó khăn, dịch Covid -19 chưa biết phát triển đến đâu, nhất là trước những biến thể của virus.
Với bối cảnh chưa rõ nét về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, còn nhiều yếu tố bất định trong tương lai, tôi nghĩ trước hết chúng ta phải lường trước những khó khăn, không thể được chủ quan. Hơn nữa, thách thức lớn nữa là tác động từ bên ngoài khi nền kinh tế các nước trên thế giới rơi vào khủng khoảng nghiêm trọng cũng hiện hữu. Có thể thị trường hàng hóa, thương mại, đầu tư sẽ khó khăn hơn. Một thực tế nữa chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là khả năng tiếp thu công nghệ lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đòi hỏi cố gắng nhiều hơn nữa. Do đó, tôi nghĩ về mặt quan điểm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp đã đưa ra đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa, sâu sát hơn nữa.
Để biến “nguy” thành “cơ”, tận dụng những cơ hội, tác động tích cực, lợi thế từ việc đi trước trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh, theo ông có những vấn đề gì cần lưu ý?- Cùng với những thách thức, cũng phải nói lại, chúng ta đã nắm giữ không ít cơ hội. Trước hết, cùng với lợi thế của các hiệp định thương mại khác, chúng ta đã có một năm tham gia vào hai hiệp định thương mại thế hệ mới EVFTA và CPTPP. Từ đó, khả năng điều hành kinh tế vĩ mô, cạnh tranh được nâng lên; thị trường lớn, cơ hội lớn mở ra. Tiếp theo, nhiều nước đang tổ chức lại chính sách và tiềm lực kinh tế theo hướng “không bỏ trứng vào một giỏ”, đây là cơ hội để chúng ta tiếp nhận các đầu tư khác.
Hơn nữa, tôi thấy dịch Covid-19 cũng đã bộc lộ rõ hơn những yếu kém cần phải khắc phục, chúng ta cần điều chỉnh lại chiến lược phát triển kinh tế, từ nguồn nhập nguyên phụ liệu của các ngành công nghiệp, cho đến thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Ngay bây giờ, có lẽ chúng ta đã phải tính đến đầu tư lớn hơn về công nghệ phụ trợ, nguyên liệu đầu vào; mở rộng thị trường; tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu…
Đặc biệt, năm 2021 cũng là năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vấn đề xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng nhà nước vì dân, gần dân tiếp tục đẩy mạnh, tạo ra môi trường thuận lợi hơn nữa để kêu gọi đầu tư. Tôi nghĩ, với những quan điểm chỉ đạo đúng đắn đang có, tác động tích cực từ thành công trong phòng chống dịch và quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện, năm 2021 và các năm tiếp theo nữa, chúng ta sẽ tận dụng được các cơ hội để phát triển.
Xin cảm ơn ông!