Kính thưa quý vị đại biểu,
Hôm nay, tôi rất vui mừng được tham dự và phát biểu tại Hội thảo: Vai trò của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong với kịch hát dân ca Ví, Giặm. Thay mặt Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam và với tư cách là một nhà biên kịch, tôi đánh giá cao Tỉnh ủy - UBND tỉnh Nghệ An, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cùng giới nghiên cứu và gia đình đã tổ chức Hội thảo này.
Hy vọng sau hội thảo, chúng ta sẽ hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn giá trị to lớn, đặc sắc của dân ca Ví, Giặm nói chung, của kịch hát dân ca Ví, Giặm nói riêng mà Nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong là một tài năng đáng nể trọng, người mở đầu và mở đường cho việc đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh từ hình thức trình diễn, đối đáp truyền thống thành tác phẩm kịch hát với dung lượng nội dung tư tưởng, nghệ thuật mở rộng, sâu sắc và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Nguyễn Trung Phong cũng là một điển hình về thắp sáng ngọn lửa đam mê, sáng tạo, cống hiến trọn đời vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật của xứ Nghệ và của đất nước ta.
Tôi có may mắn từ lúc còn nhỏ được gặp, được xem, được đọc tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong, nhà thơ Trần Hữu Thung, Nhà thơ Minh Huệ, Nhà thơ Quang Huy và nhiều văn nghệ sỹ khả kính khi các ông về quê hương Yên Thành, Nghệ An và có mối thâm giao với cha tôi khi đó là người đứng đầu chính quyền ở huyện lúa Yên Thành.
Yên Thành và Diễn Châu vốn là Đông Yên nhị huyện… Nhà thơ Trần Hữu Thung chủ bút cùng các bạn văn nghệ, trong đó có nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong, từng ứng tác một số bài thơ vui về Yên Thành, nơi ra đời của Hội Văn nghệ Nghệ An năm 1967, có 3 xã là nơi sơ tán của Hội trong chiến tranh:
“Huyện thì tên gọi huyện YênMà đi thì thấy xuống lên gập ghềnhHuyện thì tên gọi là ThànhMà đường thì thấy những quoanh cùng bòCá đồng chợ Rộc cứ khoNghe đâu huyện sắp lệnh cho sửa đường”hay“ Đường thì tên gọi Ba ba (33)Thật là ba bị, thật là ba quaiKhen cho ai đó thật tàiĐường trơn xe đạp vác vai mà trườn”... Nghe lời thơ, ý thơ đã nhận rõ phong cách ông đồ xứ Nghệ.
Nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong sinh năm 1929 tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học thuộc chi họ Nguyễn Trung, dòng họ văn chương hiếu học, có liên tục 7 đời khoa bảng từ thời Lê đến thời Nguyễn. Thuở nhỏ, ông Nguyễn Trung Phong ở làng Vân Tập, Diễn Bình, hơn 10 tuổi cùng gia đình sang sống ở làng Trung Phường, xã Diễn Minh.
Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng đồng phê bình lý luận văn học T.Ư Nguyễn Thế Kỷ và Tổng Biên tâp báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức và các đại biểu xem các hình ảnh, kỷ vật của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên |
Lớn lên với đồng lúa, nương ngô, cuộc sống miền quê đồng Dặm trong chiến tranh nghèo đói gian khổ đã nuôi lớn và cho Nguyễn Trung Phong một tâm hồn thấm đẫm tình yêu quê hương. Được thừa hưởng tinh hoa, trí tuệ của dòng họ Nguyễn Trung và của quê hương xứ Nghệ, kết hợp với niềm đam mê nghệ thuật, từ nhỏ Nguyễn Trung Phong rất say sưa xem biểu diễn tuồng, chèo, cải lương và hát dân ca.
Ở tuổi thanh niên, ông tham gia phong trào văn nghệ quần chúng tại Diễn Châu, sáng tác, đạo diễn các hoạt cảnh và từng lên sân khấu biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Năm 1950, Nguyễn Trung Phong tham gia cách mạng, năm 1952 vào làm việc ở Ty Tuyên truyền Nghệ An.
Tuy không học trường lớp cơ bản nào nhưng với năng khiếu bẩm sinh, Nguyễn Trung Phong đã cho ra đời nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại như cải lương, chèo, hoạt cảnh và kịch dân ca. Hơn 40 năm cống hiến cho Văn hóa xứ Nghệ, ông đã để lại hơn 30 tác phẩm dân ca từ hoạt cảnh đến cả những vở kịch hát.
Từ một người nông dân chất phác, yêu thích hát Ví, Giặm, ông trở thành một diễn viên rồi trở thành nhà biên kịch, nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật tài ba cho đến khi về hưu, lúc nào ông cũng dành trí tuệ, sức lực, tâm huyết cho văn nghệ. Nhiều tác phẩm của ông đã vươn lên tầm cao nghệ thuật sân khấu xứ Nghệ và sân khấu quốc gia vào những thập kỷ từ 60 - 80 của thế kỷ trước.
Với tình yêu con người, yêu quê hương, đất nước sâu sắc, tinh tế của người nghệ sỹ nông dân, ngòi bút của Nguyễn Trung Phong đã lần lượt cho ra đời những tác phẩm xuất sắc như vở chèo 5 màn "Cô gái Sông Lam", "Khi ban đội đi vắng", “Bài ca ra trận” v.v... Vở chèo "Cô gái Sông Lam” sau đó được chuyển thành vở kịch hát dân ca xứ Nghệ cùng tên được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm rung động hàng triệu khán, thính giả xứ Nghệ và cả nước.
Hình tượng những chiến sỹ cộng sản tiêu biểu là chị Nghệ trong “Cô gái Sông Lam” cùng những nông dân và công nhân yêu nước, những người mẹ giàu đức hy sinh …ghi dấu mãi mãi trong lòng người xem, người nghe. Tác phẩm “Khi ban đội đi vắng” được đoàn dân ca Nghệ An công diễn thành công và được các đội văn nghệ cấp huyện, cấp xã dàn dựng, biểu diễn đến tận xã, xóm. Làn điệu "Giận mà thương" do ông sáng tác được chuyển thể từ vở kịch "Khi ban đội đi vắng" đã lan toả mạnh mẽ, sâu rộng, dài lâu từ ngày đó đến bây giờ và cả mai sau.
Tại hội thảo này, đã có nhiều tham luận đề cập đến nhiều vấn đề, từ thân thế, sự nghiệp, những đóng góp của Nhà biên kịch, nhà văn hóa Nguyễn Trung Phong đối với nghệ thuật chèo, cải lương, dân ca, kể cả công tác quản lý văn hóa… Chúng tôi xin nêu một số ghi nhận và đánh giá về vai trò, đóng góp quan trọng và giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc trong các tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong trên một số điểm sau đây:
1.Đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật:
Một là, đóng góp của Nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong với nghệ thuật chèo: Nguyễn Trung Phong là người con của đồng quê xứ Nghệ, ông không sinh ra và cũng không hoạt động ở các tỉnh phía Bắc của đất chèo truyền thống, vậy mà khởi đầu sáng tác rất thành công của ông lại là tác phẩm chèo.
Vở chèo 5 màn "Cô gái Sông Lam" do ông viết kịch bản đã gây tiếng vang lớn trên sân khấu cả nước, đạt đến đỉnh cao về nội dung và nghệ thuật. Những nhân vật chính diện hay phản diện trong vở chèo này đã đạt đến tính cách điển hình, nhất là hình tượng người chiến sỹ cộng sản, không những được công chúng mến mộ mà giới lý luận phê bình sân khấu đánh giá cao.
Vừa viết kịch bản, Nguyễn Trung Phong còn đề xuất thành lập Đoàn nghệ thuật chèo và chính ông được lãnh đạo Ty Tuyên truyền Nghệ An chỉ định phụ trách đoàn chèo của tỉnh. Không chỉ là tác giả kịch bản, Nguyễn Trung Phong còn là đạo diễn sân khấu chèo, ông đã dụng công tìm kiếm, tuyển dụng và đào tạo diễn viên để phục vụ công tác biểu diễn. Những người được ông đưa lên sân khấu đều là những diễn viên thật sự có năng khiếu, có tài năng và cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Hai là, đóng góp của Nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong với dân ca Ví, Giặm: Con đường sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Trung Phong là từ dân ca đến kịch hát dân ca. Từ những làn điệu dân ca, ông đã viết và dàn dựng các hoạt cảnh dân ca để phục vụ phong trào văn nghệ địa phương.
Với tài năng và sự đam mê, ông đã nghiên cứu, sáng tạo để rồi cho ra đời những vở kịch dân ca trên sân khấu chuyên nghiệp được gắn liền với những sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của miền quê xứ Nghệ. Đề tài nông thôn từ khi hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc đã được ông đưa vào những tác phẩm nghệ thuật, phản ánh kịp thời những biến động lịch sử.
Từ những làn điệu dân ca cổ xưa, ông đã làm mới và nâng lên một tầm cao mới, thành các hoạt cảnh hay kịch hát. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi muốn so sánh chút ít nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong với nhạc quan, nhạc sư Nguyễn Quang Đại, tức thầy Ba Đợi cách đây hơn một thế kỷ trong nghệ thuật cải lương.
Những tác phẩm ông sáng tác là kết quả của sự trăn trở, tìm tòi, sáng tạo. Ông biên kịch rồi tự mày mò tìm lối diễn cho phù hợp để tác phẩm có hồn cốt mang đậm chất dân ca xứ Nghệ: Hồn hậu, chân chất, hóm hỉnh kiểu “nói trạng xứ Nghệ”, nhưng sâu sắc, thấm đẫm tình yêu thương con người, yêu quê hương xứ sở.
Ba là, với tư duy sáng tạo, ông đã sáng tác thêm những làn điệu dân ca mới để đáp ứng cho kịch hát dân ca của sân khấu hiện đại. Năm 1967, khi dàn dựng vở kịch "Khi ban đội đi vắng", do lời thoại của kịch không biểu thị hết sắc thái tình cảm của người phụ nữ nên ông đã nhiều đêm trăn trở, nghiên cứu để tìm ra làn điệu mới, đó là làn điệu “Trăn trở” mà sau này gọi là làn điệu “Giận mà thương”. Làn điệu "Giận mà thương " đã lan toả mạnh mẽ và đi vào đời sống tâm hồn, tình cảm của người dân xứ Nghệ đến tận bây giờ và mãi mãi về sau.
Bốn là, khắc họa thành công hình tượng nhân vật trong đấu tranh cách mạng và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Trung Phong được khắc họa sinh động rõ nét, đầy tình yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng cống hiến, xả thân vì nghĩa, ở vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Đó là những hình tượng nhân vật luôn nêu cao tinh thần tập thể, trung với nước, hiếu với dân, tất cả vì nền độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội, kiên quyết đấu tranh với thói hư tật xấu trong xã hội. Đó là hình tượng nhân vật với đặc trưng tính cách con người xứ Nghệ: hiên ngang, khí phách, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn nhưng cũng rất nghĩa tình, chung thủy, sâu sắc, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu, không khuất phục trước mọi khó khăn, giữ vững phẩm chất trong sáng của người cách mạng.
2. Đóng góp của Nhà văn Nguyễn Trung Phong trong vai trò của một nhà quản lý:
Nhà văn hóa, Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã có đóng góp to lớn cho văn hóa nghệ thuật nói chung, cho nền kịch hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng, được thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, trong quá trình hoạt động nghệ thuật, khi đang làm việc, với cương vị Phó Ty Văn hóa Nghệ An, Nghệ Tĩnh, ông luôn quan tâm phát triển và xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương. Ông có đóng góp quan trọng trong việc gây dựng sân khấu quần chúng, nhất là sân khấu chuyên nghiệp xứ Nghệ một cách có hệ thống, bài bản, góp phần tạo dựng cho những thế hệ kế tiếp một nền móng kịch hát dân ca vừa truyền thống, vừa hiện đại.
Thứ hai, ngoài việc sáng tác, ông còn là người có công sưu tầm kho tàng dân ca cổ, nghiên cứu để làm mới những làn điệu cũ. Ông đã cùng người học trò xuất sắc của mình là Nhạc sỹ An Thuyên đi dọc sông Lam để sưu tầm, ghi chép lại những làn điệu dân ca, hò, vè… từ cuộc sống thực tế của nhân dân, phục vụ cho công việc sáng tác.
Thứ ba, trong suốt cuộc đời hoạt động văn hóa nghệ thuật của mình, Nhà văn hóa, Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã phát hiện, đào tạo, kèm nghề cho rất nhiều thế hệ diễn viên, nghệ sỹ, nhiều học trò của ông thành danh như NSUT Song Thao, Minh Ngọc, Đình Tân, NSƯT Danh Cách, NSUT Đình Bảo, Nhạc sỹ tài ba An Thuyên và nhiều nghệ sỹ tiếp nối sau này như NSND Tiến Dũng, NSND Hồng Lựu...
Dấu ấn trong cuộc đời sáng tác của Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là những tác phẩm để đời như vở chèo “Cô gái Sông Lam”, vở kịch “Khi ban đội đi vắng” chuyển thể thành làn điệu “Giận mà thương” và nhiều vở kịch, nhiều hoạt cảnh dân ca khác.
Chính làn điệu “Giận mà thương” của Nguyễn Trung Phong là chất liệu quý giá để nhạc sĩ Đỗ Nhuận dựa vào, sáng tác ca khúc bất hủ “Trồng cây lại nhớ đến Người”. Những tác phẩm của ông đã đóng góp vào kho tàng dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ để hơn 5 năm trước UNESCO vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Nhà văn hóa, Nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong, chúng ta tổ chức hội thảo để tôn vinh ông, nhận thức rõ hơn những giá trị tư tưởng văn hóa và nghệ thuật mà ông đã cống hiến cho nhân dân, cho quê hương xứ Nghệ và nền văn nghệ nước nhà.
Để tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật các tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong, tôi mong muốn các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục có các hoạt động phù hợp như sưu tầm, nghiên cứu, trao đổi, tọa đàm để đánh giá toàn diện, xác đáng tác giả, tác phẩm của Nguyễn Trung Phong trên các góc độ như: cấu trúc tác phẩm, ngôn ngữ, nhân vật, các tình huống và xung đột kịch, các thủ pháp nghệ thuật…
Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Trung tâm bảo tồn dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ của các địa phương trong tỉnh cần quan tâm, học hỏi, dàn dựng, có thể làm mới các vở kịch, làn điệu dân ca do Nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong sáng tác trước đây, góp phần giữ gìn và phát huy dân ca Ví, Giặm.
Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cần quan tâm, chỉ đạo huyện Diễn Châu tạo điều kiện xây dựng không gian nghệ thuật dân ca Ví, Giặm gắn với nhà tưởng niệm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong tại quê hương. Tổ chức sưu tầm, biên tập, xuất bản các tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong. Đây là công việc quan trọng nhằm phục vụ công tác giữ gìn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm.
Đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An kết hợp với các cơ quan chức năng và gia đình hoàn thiện hồ sơ, đề xuất tặng Giải thưởng Nhà nước đối với Nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong, người đã có công lao đóng góp quan trọng để Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
Hà Nội, 6/10/2019