PGS.TS Trần Đình Thiên. |
Ông từng cho rằng, kinh tế ban đêm như một chiến lược cạnh tranh và phát triển của các đô thị thời đại “hậu công nghiệp”. Đây được xem như giải pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam, tận dụng “lợi thế đi sau”. Xin ông chia sẻ rõ hơn về nhận định này?
Kinh tế ban đêm là sự tiếp nối các hoạt động kinh tế ban ngày, kéo dài từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, tạo thành cuộc sống kinh tế ban đêm. Đó là một nền kinh tế đích thực, có cơ cấu, cơ chế, động lực và nguồn lực đặc thù: Dịch vụ, tiêu dùng (ẩm thực, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí…) đóng vai trò chính. Đây là lợi thế cạnh tranh mới của phát triển đô thị hiện đại.
Xu hướng phát triển hiện nay, tại các đô thị (du lịch), kinh tế đêm đóng góp rất lớn. Hơn 80% dân số thế giới sống tại TP, tạo áp lực và cơ hội lớn. Để nuôi sống và đảm bảo chỗ sống cho cư dân đô thị, nâng cao hay đào sâu hơn thành phố không đủ, còn phải biết sử dụng thời gian thông minh hơn. Kinh tế đêm tạo việc làm, thu nhập quan trọng cho cá nhân, nguồn thu ngân sách địa phương. Điều đó đòi hỏi các địa phương cần nhanh chóng thúc đẩy du lịch, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vắng vẻ vào đêm.
Trên thế giới, kinh tế ban đêm chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế. Kinh tế ban đêm đã tạo 66 tỷ bảng (khoảng 80 tỷ USD) doanh thu hàng năm, là ngành kinh tế đứng thứ 5 của Vương quốc Anh. New York là thành phố không ngủ, kinh tế ban đêm đóng góp hơn 10 tỷ USD vào nền kinh tế của toàn thành phố. Úc, kinh tế đêm trị giá 102 tỷ AUS (khoảng 70 tỷ USD), tăng khoảng 5%/năm. Riêng Sydney, ước 27,2 tỷ USD/năm.
Nhật Bản, quy mô thị trường kinh tế đêm 400 tỷ yên (khoảng 3,7 tỷ USD) vào 2020. 20% du khách tới Anh năm 2014 có hoạt động giải trí về đêm. 35% dân du lịch tới Berlin để tìm kiếm các hoạt động giải trí về đêm. New York, hơn 26.000 cửa hàng ăn uống phục vụ kinh tế đêm. Manchester, hơn 150.000 người tham gia hoạt động giải trí đêm cuối tuần.
Các TP du lịch nổi tiếng nhất thế giới đều phát triển mạnh kinh tế đêm như Pattaya, New York, Macau, London…, nằm trong top 10 TP thu hút nhiều du khách nhất, đặc biệt nổi tiếng với phố ẩm thực, shopping, giải trí hoạt động thâu đêm.
Việt Nam, Đà Nẵng vẫn chưa có nền kinh tế đêm. Nghĩa là còn dư địa rất lớn để phát triển.
Tại Việt Nam, doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách thấp, liệu có phải nguyên nhân chính là từ khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 12 giờ đêm, thưa ông?
Năm 2017, Việt Nam thu 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ; Singapore 18,4 tỷ, Thái Lan 52,5 tỷ. So sánh khách quốc tế lưu lại Việt Nam và Thái Lan cùng khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng chỉ tiêu 96 USD/ngày ở Việt Nam, còn ở Thái Lan là 163 USD.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là kinh tế đêm của Thái Lan đang bỏ xa Việt Nam. Bangkok được ví là TP không bao giờ ngơi nghỉ vì các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt ngày đêm. Theo Master Card (2018), Bangkok tiếp tục dẫn đầu danh sách những TP có lượng khách du lịch hằng năm lớn nhất thế giới. Trung bình, du khách đến Bangkok có thời gian lưu trú là 4,7 đêm và chi tiêu mỗi ngày khoảng 173USD.
Ở Việt Nam, du lịch đẳng cấp chưa phát triển, chưa có kinh tế đêm, thiếu doanh nghiệp đủ năng lực phát triển kinh tế đêm, nhà nước chưa ban hành kế hoạch phát triển kinh tế đêm là những nguyên nhân khiến doanh thu du lịch Việt Nam thấp.
Vậy chúng ta cần làm gì để phát triển kinh tế đêm bài bản, hiệu quả?
Để tận dụng thời cơ “thoát nguy” và “bứt phá”, cần khẩn trương xây dựng một chương trình (chiến lược) phát triển kinh tế đêm tổng thể, trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới của thành phố như một nội dung ưu tiên.
Cần chuẩn bị các điều kiện hiện thực như: có không gian để tổ chức kinh tế đêm; phát triển các ngành, các sản phẩm phục vụ kinh tế đêm và các khuyến khích chính sách. Cùng với đó, phải thiết lập các điều kiện bảo đảm như: Hạ tầng, khung khổ pháp lý, hệ thống bảo đảm an toàn an ninh.
Đặc biệt là phải lựa chọn lực lượng chủ công, định hướng và định hình để thực thi chiến lược phát triển kinh tế đêm. Ví dụ tại Đà Nẵng có thể chọn Sun Group với Bà Nà Hills và Khu vực Công viên châu Á (Asia Park); phát triển các khu phố đêm dọc biển, dọc sông Hàn với chợ đêm, nhà hàng ẩm thực.
Phát triển kinh tế đêm ở Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các thành phố khác, nói như vậy có đúng không, thưa ông?
Đà Nẵng phải quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm như một bộ phận cấu thành chiến lược phát triển kinh tế đêm. Nó không phải là phương tiện, không phải cái kéo dài của kinh tế ban ngày. Nó là bộ phận, một nền kinh tế có quy hoạch, đặc trưng, có mục tiêu cũng khác.
Quan trọng hơn, cần có chiến lược tốt thì mới hút được những nhà đầu tư tốt, mới có thể giữ nhà đầu tư tốt phát triển kinh tế ban đêm, giống như Sun Group và rất ít các nhà đầu tư đã tạo nền tảng cho kinh tế ban ngày tại Đà thành.
Chỉ khi có chiến lược rõ ràng, các nhà đầu tư mới thấy Đà Nẵng đã sẵn sàng cho một cuộc chơi mới đầy hấp dẫn. Khuôn khổ ấy có mục tiêu đảm bảo cho nhà đầu tư ít rủi ro và có cơ hội thành công. Tôi cho rằng, kinh tế ban đêm là giải pháp “chớp” thời cơ hậu Covid-19 để Đà thành phát triển du lịch và bứt phá trong tương lai.
Nhiều người cho rằng cần có sự “cởi trói tư duy” về chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển kinh tế đêm, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Liên quan đến vấn đề chính sách, cũng giống như phát triển kinh tế ban ngày, cần có nhu cầu về đất đai, nhu cầu nhân lực, công nghệ, nhiều yếu tố đặc thù như ánh sáng, tiếng ồn, bảo đảm an toàn cho du khách, nhà đầu tư phải được phép kinh doanh thâu đêm… Phải có chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế ban đêm chứ không phải chỉ là những luật lệ sẵn có.
Những người tiên phong kinh tế ban đêm chắc chắn sẽ gặp rủi ro. Rủi ro của người đi tiên phong theo ý nghĩa là đầu tư vào đây khách ít, dần dần mới tạo ra thói quen thức đêm, thói quen giải trí đêm thì mới có doanh thu…
Do đó, giai đoạn đầu cũng cần có chính sách để doanh nghiệp bớt thiệt hại. Phải có cam kết rất rõ giữa chính quyền và doanh nghiệp để thấy được trách nhiệm của chính quyền cũng như để doanh nghiệp thấy được sự hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp không có tâm lý ỷ lại khi chấm dứt hỗ trợ.
Thưa ông, tại Đà Nẵng, hiện Sun Group được xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong khai thác một số sản phẩm du lịch đêm như Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Bar Sky 36,… Những sản phẩm như thế này liệu có đủ sức hút du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn ở Đà Nẵng?
Các sản phẩm của Sun Group như Bà Nà Hills, Công viên châu Á, cả không gian vừa phải như SKY 36 đều là cơ sở ban đầu cho phát triển những giá trị du lịch Đà Nẵng, trong đó đặc biệt là cơ sở cho kinh tế ban đêm. Đó là cơ sở rất quan trọng, bởi định hướng có không gian trên nền tảng dịch vụ, bổ sung thêm trong không gian ấy có thêm sản phẩm mới, cấu trúc mới ngành nghề mới.
Riêng Bà Nà Hills đã hút khách về ban đêm, nhưng mới chủ yếu là hưởng không khí ban đêm ở đó chứ chưa phải là tận hưởng nền không khí kinh tế ban đêm ở Bà Nà. Về không gian, ban đêm ở Bà Nà đêm nó huyền diệu, mê hoặc người ta. Ban ngày đã sôi động như vậy rồi nếu ban đêm làm được như vậy nữa thì đó sẽ là một không gian kinh tế đêm ở Đà Nẵng. Hiệu ứng từ đây sẽ lan ra được các sản phẩm khác, kinh tế ban đêm ở chỗ khác của Đà Nẵng. Tôi cho rằng, “tọa độ” ban đầu là đặc biệt quan trọng.