"Tuy nhiên, để nhà nước xây trường sẽ mất nhiều thời gian trong khi dân số cơ học tăng mạnh theo từng năm. Vì vậy, phải linh hoạt tìm giải pháp nhằm sớm giải quyết tình trạng thừa thiếu chỗ học” - PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
Đến hẹn lại lên, vào mỗi mùa tuyển sinh lớp 10 ở nhiều TP lớn trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội, vấn đề thừa thiếu chỗ học nội đô lại nóng lên. Ông bày tỏ quan điểm gì về vấn đề này?
-Xu hướng chung ở bất cứ nước nào trên thế giới, đó là dân cư sẽ dịch chuyển về TP lớn để sinh sống và làm việc. Chính bởi vậy, các TP lớn luôn có tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh.
Đây là vấn đề cũ, do vậy Nhà nước, chính quyền địa phương đều biết, nhận ra điều đó và ít nhiều có các biện pháp đi trước đón đầu, không để xảy ra tình trạng ngồi chờ đến khi dân tăng lên mới tìm giải pháp giải quyết, vì như vậy sẽ “trở tay không kịp”.
Tại Hà Nội, dù chính quyền đã rất ưu tiên đầu tư ngân sách cho giáo dục nhưng so với tốc độ tăng dân số thì tốc độ xây trường vẫn đi sau.Ai cũng biết là nên đầu tư xây trường công nhưng kinh phí để xây trường rất lớn, thời gian xây dựng lại rất dài, ít nhất phải mất vài năm. Kinh tế nước ta đang khó khăn vì vừa trải qua đại dịch Covid- 19…
Đây là mâu thuẫn dẫn đến sau mỗi năm, tình trạng thiếu trường công lập ngày một trầm trọng hơn. Đây là mâu thuẫn tồn tại hết năm này qua năm khác.
Có thể thấy, giải pháp nhanh nhất để hóa giải mâu thuẫn này, đó là đẩy mạnh chính sách xã hội hóa trong giáo dục, nghĩa là phải làm thế nào để huy động nguồn lực trong xã hội đóng góp cho phát triển giáo dục.
Trước hết, Hà Nội cần trường học, cần chỗ học. Nguồn ngân sách có hạn nên Nhà nước, địa phương cần tận dụng cái mình có, đó chính là đất. Đất không ai mang đi, không ai lấy được, mãi vẫn nằm đó.
Muốn xây trường phải có đất. Nhà nước dùng đất và các chính sách liên quan để kích thích DN, làm đòn bẩy cho DN đầu tư. Nếu yêu cầu DN mua đất xây trường sẽ rất ít người hưởng ứng. Nhưng kêu gọi, khuyến khích DN xây trường đi kèm nhiều chính sách ưu đãi về vay vốn, thuê đất hay miễn giảm thuế, đi cùng đó là thủ tục thuận lợi… thì mọi việc chắc chắn sẽ khác.
Ngay tại nội đô Hà Nội, trong các khu chung cư, không khó khăn gì thấy những khu đất đẹp bỏ hoang nhiều năm liền. Nếu những mảnh đất đó biến thành trường học thì đã là môi trường học tập cho hàng nghìn học sinh. Nhưng câu trả lời đưa ra là không có tiền xây trường và nằm chờ dự án, chờ rót tiền. Điều này rất lãng phí.
Ngoài xã hội hóa, vấn đề cơ chế cần thực hiện nghiêm ngay từ đầu. Đó là trước khi phê duyệt dự án nhà ở, chủ đầu tư phải cam kết xây trường học, bệnh viện trước giao đất. Quá trình làm, nếu phát hiện DN không làm theo cam kết thì yêu cầu tạm dừng xây dựng. Có như vậy mới không xảy ra hiện tượng nhà bán cho dân ở nhiều năm mà chờ đợi mãi không thấy xây dựng trường học.
Phụ huynh phàn nàn là không có điều kiện học trường tư vì học phí cao vượt quá thu nhập của họ; trong khi trường công mức học phí rất thấp. Nếu công tác xã hội hóa xây trường được đẩy mạnh liệu có xảy ra tình trạng thừa trường tư không, thưa ông?
- Nếu dùng nhiều chính sách ưu đãi, vừa kích thích DN xây trường, nhà nước lại có quyền được tham gia vào việc xây dựng khung học phí của các nhà trường.
Hiện nhiều học sinh không được vào trường công nhưng không đủ điểu kiện học trường tư do vấp phải vấn đề học phí. Đó là vì nhà nước chưa tìm cách can thiệp để tham gia vào xây dựng chính sách học phí. Với những trường đã được hưởng các chính sách về thuế, về đất, nhà nước sẽ cùng góp tiếng nói trong quy định học phí và khống chế mức học phí ổn định, phù hợp.
Hiện tôi được biết nhiều trường tư ở Hà Nội thu phí như trên trời, chênh lệch nhiều so với trường công và so với thu nhập của phụ huynh. Để xảy ra hiện tượng này là chính sách của nhà nước khi thì quá chặt, nhưng có lúc lại quá lỏng. Nếu để trường tư tự quyết định học phí dễ dẫn đến tình trạng thương mại hóa giáo dục và không công bằng trong thụ hưởng chính sách về giáo dục khi học sinh học trường công được đài thọ học phí, học sinh học trường tư thì phải coi học phí là gánh nặng.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ
Học phí là tính đúng, tính đủ, không thể cứ trường tư là thu vô tội vạ được. Khi xã hội hóa trường tư bằng chính sách, nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ học phí, tặng học bổng cho học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy học trường tư sẽ không là rào cản cho phụ huynh hay học sinh nữa.
Để giảm áp lực cho trường học nội đô, Hà Nội cần đẩy nhanh chính sách đưa người từ nội thành ra ngoại thành bằng cách chuyển các cơ sở sản xuất, trường cao đẳng, đại học, bệnh viện… ra ngoại thành.
Cần sớm phân loại trường
Ngoài việc xã hội hóa trong giáo dục như ông vừa đề cập, công tác phân luồng học sinh cũng có vai trò rất quan trọng. Ý kiến của ông như thế nào?
- Đã từng tham quan nhiều mô hình giáo dục trên thế giới, tôi thấy việc quá tải trường học, chỗ học như Việt Nam rất ít xảy ra. Điều ta khác họ ở chỗ, học có tiêu chí phân loại trường rất rõ ràng.
Ví như tại Singapore, nhà nước phân trường phổ thông thành 3 nhóm (Tốt - Trung bình - Thấp) dựa vào tiêu chí chất lượng. Việc chọn học trường nào là tùy sức học của học sinh.
Đối chiếu vào nước ra, theo tôi là nên khôi phục kỳ thi tốt nghiệp THCS. Với chương trình mới hiện nay, sau khi hoàn thành 9 năm (tiểu học và THCS) là học sinh đã học đủ kiến thức cơ bản. Vậy rất cần có một cuộc thi sát hạch để xem kiến thức của các em đến đâu.
Sau khi thi xong, có bằng, học sinh sẽ đủ điều kiện để theo học bậc THPT. Về tính chất, đây sẽ là kỳ thi cấp quốc gia, Bộ GD&ĐT chủ trì, ra đề và giao địa phương tổ chức (như tốt nghiệp THPT). Sau 9 năm học phải có kỳ thi để phân loại học sinh một cách chính xác.
Song song với phân loại học sinh và phân loại chất lượng các nhà trường. Ở nước ta, tuy có trường tốp cao và tốp thấp nhưng tiêu chí phân loại chưa có. Để dễ dàng phân hóa học sinh, không có tình trạng chen lấn, xếp hàng nộp hồ sơ cho con thì điều cần thiết là phân loại trường THPT thành 3 nhóm.
Nhóm 1: trường trung học năng khiếu chất lượng cao (chiếm 40%); tại đây chuyên đào tạo học thuật, văn hóa để sau này theo học các ngành bậc cao).
Nhóm 2, trường trung học kỹ thuật (hoặc trung học chuyên nghiệp) chiếm 30%. Trường này ở mức trung bình, chương trình có 60% dạy văn hóa, 40% dạy nghề để sau ra trường, học sinh có thể lựa chọn học tiếp hoặc đi làm.
Nhóm 3, trường trung học nghề chiếm 30%. Chương trình của trường sẽ là 40% học văn hóa và 60% học nghề. Với trường hợp không đủ điều kiện tốt nghiệp THCS, học sinh có hai lựa chọn, một là ôn tập để thi tiếp; hai là theo học sơ cấp nghề phổ thông, nơi đó sẽ học các nghề dạng cầm tay chỉ việc.
Sau khi tốt nghiệp THCS, căn cứ điểm thi và học bạ, nếu con em học tốt sẽ được chọn trường năng khiếu chất lượng cao, trường kỹ thuật hoặc trường nghề.
Việc xếp loại điểm từ trên xuống dưới được diễn ra công khai, rành mạch, khuyến khích học sinh cố gắng học tập. Tâm lý xã hội ai cũng muốn con học ở trường tốt, trường gần để tiện di chuyển, giảm mật độ giao thông. Nếu mong mỏi như vậy, phụ huynh phải động viên con em cố gắng, học sinh phải nỗ lực nhiều hơn để học tập tốt và thi tốt nghiệp THCS đạt kết quả tốt.
Cuộc thi tốt nghiệp THCS hướng đến nhiều mục đích. Một là để biết mặt bằng kiến thức chung của học sinh như thế nào. Tiếp đó là cơ sở để định hướng học sinh đủ điều kiện theo học trường nào (theo 3 nhóm đã phân loại).
Việc phân luồng THCS dễ nhất là phân luồng dựa trên chất lượng học sinh và phải bảo đảm địa bàn quận huyện nào cũng có 3 loại hình trường để thí sinh lựa chọn. Và khi có tiêu chí phân loại trường, hơn ai hết phụ huynh là người hiểu được năng lực của con và biết được loại trường nào phù hợp với con mình.
Kể cả đi học trường nghề, vẫn yêu cầu học sinh tốt nghiệp THCS thông qua kỳ thi. Học sinh phải đủ kiến thức tối thiểu mới tiếp tục học lên cao hơn, có như vậy mới bảo đảm chất lượng dạy và học nghề.
Khi đã phân chia loại trường, nhà nước cần quan tâm đầu tư nghiên cứu đào tạo nghề gì xã hội cần, thị trường lao động cần; học sinh ra trường làm được việc, có thu nhập thì mới nhiều người học, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Các loại trường còn lại cũng vậy, phải quan tâm đầu tư đúng định hướng để phát triển năng lực học sinh.
- Xin cảm ơn ông!