PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Điểm tựa  vững chắc nhất là lòng dân

Quốc Toản thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phải có những hành động cụ thể, xây dựng Nhà nước pháp quyền để củng cố lòng tin và...

Kinhtedothi - Phải có những hành động cụ thể, xây dựng Nhà nước pháp quyền để củng cố lòng tin và tập hợp sức mạnh đoàn kết của Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã khẳng định như vậy với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị khi nói về ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý từ thành công của Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 trong giai đoạn hiện nay.

71 năm đã qua, nhưng ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đến nay vẫn còn tươi mới. Ông có thể phân tích, làm rõ hơn ý nghĩa ấy?

- Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta và là sự kiện có tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, Nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn, bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quật cường của dân tộc ta được kế thừa, phát huy lên tầm cao mới trong cuộc đấu tranh do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo; là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén tạo thời cơ và chớp thời cơ ngàn năm có một, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đường lối đó được đội ngũ đảng viên tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, không quản gian khổ, hy sinh, bền bỉ tuyên truyền, vận động, tổ chức Nhân dân nhất tề vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước, là kết quả của 3 cao trào cách mạng của Nhân dân ta trong suốt 15 năm từ ngày thành lập Đảng.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”, chấm dứt chế độ phong kiến và chế độ thực dân cũ. Nhân dân ta đã đồng thanh hô to lời thề độc lập khi lần đầu tiên trong lịch sử được hưởng bầu không khí của tự do.

Điểm cần lưu ý ở đây là Hồ Chí Minh đã bác bỏ luận điệu Pháp có công bảo hộ. Lập luận của bản Tuyên ngôn đã chỉ rõ thực dân Pháp đến nước ta không hề có sự bảo hộ, chúng không phải có công mà là có tội, là “trong năm năm chúng bán nước ta hai lần cho Nhật”. Bác chỉ rõ: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp” để thế giới thấy rằng việc Pháp đang chuẩn bị lực lượng quay lại xâm lược nước ta là phi nghĩa. Điều đó cho thấy sự tinh tế và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, Việt Nam vẫn đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền. Theo ông, chúng ta còn thiếu những gì để hoàn thiện một Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân?

- Bác Hồ đã từng nói: “Độc lập, thống nhất mà Nhân dân chưa được hạnh phúc thì độc lập thống nhất không có ý nghĩa gì”, “Nước độc lập mà không có Hiến pháp thì dân chưa làm chủ”. Sau ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, nước ta mới chỉ có ngành hành pháp, thậm chí ở nhiều tỉnh, huyện, chính quyền cách mạng vẫn còn thiếu, chưa được củng cố. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thành lập Nhà nước pháp quyền đủ 3 cơ cấu: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính vì vậy, Người đã yêu cầu phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp để hoàn chỉnh bộ máy Nhà nước và thành lập hàng loạt các cơ quan thuộc ngành Tư pháp.

Các cơ quan này có trách nhiệm và phải giám sát được nhau. Hiện, chúng ta đã làm được điều đó, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao. Quốc hội thực hiện chức năng giám sát còn hạn chế, việc giải quyết nhiều nguyện vọng của cử tri chưa được như mong đợi. Đơn cử như vụ Formosa đang gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống Nhân dân, đặc biệt tại khu vực miền Trung, cử tri mong muốn Quốc hội Khóa XIV vào cuộc giám sát quyết liệt hơn nữa vì đây là vấn đề “nóng” của đất nước. Rồi những phiên chất vấn tại hội trường, thời gian dành cho việc này còn ít, đôi lúc còn mang tính hình thức. Khi giải trình, nhiều vị xin nhận trách nhiệm, nhưng rồi kỳ sau vẫn thế, trong khi xã hội đòi hỏi những việc rất cụ thể, lần trước hứa thực hiện, sửa chữa cái gì, lần này đã làm được đến đâu?

Chúng ta cũng phải nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong xây dựng pháp luật. Tôi cho rằng, nếu đại biểu Quốc hội chỉ đảm bảo cơ cấu sẽ khó nâng chất lượng giám sát và làm luật. Mỗi kỳ họp, Quốc hội thông qua nhiều luật, nhưng ngay cả đại biểu đọc và hiểu nội dung chuyên ngành của các luật cũng còn hạn chế vì thiếu thời gian, thiếu chuyên môn thì làm sao dân hiểu được, làm sao đi vào cuộc sống một cách hiệu quả? Công tác xây dựng luật hiện chủ yếu do các bộ, ngành chủ trì, nên dấu ấn chủ quan, thuận công việc của bộ, ngành mình khá rõ. Vì vậy, luật ban hành rồi nhưng vướng thực tiễn, vừa thông qua đã bộc lộ sai sót, bất cập.

70 năm qua kể từ khi Hiến pháp đầu tiên có hiệu lực năm 1946, nhưng đến nay, chúng ta vẫn còn khá nhiều quyền của người dân chưa thực hiện, như Luật Biểu tình, Luật Tự do hội họp… Với một xã hội dân chủ, đó là những yêu cầu chính đáng của người dân, phải công khai, minh bạch hơn.

 Vậy, những bài học gì của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 có thể áp dụng cho hôm nay, thưa ông?

- Theo tôi, đó là nếu biết phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tập hợp được người dân đồng lòng dưới cờ Đảng thì khó khăn, thử thách đến đâu cũng sẽ giành được thắng lợi. Muốn vậy, phải hiểu được người dân đang mong chờ điều gì để tập trung giải quyết, tạo dựng sự ủng hộ của người dân. Khi tiến hành Cách mạng tháng Tám, trong thời khắc vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta chỉ có hơn một nghìn đảng viên nhưng đã kêu gọi được hàng triệu người dân cùng tham gia giành lấy chính quyền. Bây giờ chúng ta có khoảng 4,5 triệu đảng viên, lực lượng hùng hậu hơn rất nhiều, lẽ gì lại không làm được.

Rồi bài học về nắm bắt thời cơ: Trên cơ sở đường lối đúng đắn, luôn theo dõi, bám sát những biến đổi của tình hình thế giới, trong nước, chủ động, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, chuẩn bị đón thời cơ, lãnh đạo và chỉ đạo quần chúng Nhân dân tận dụng thời cơ thuận lợi của tình hình trong nước và quốc tế để giành thắng lợi. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, Đảng không những phải phát huy những kinh nghiệm và bài học quý báu đó, mà còn phải luôn xây dựng và chỉnh đốn, luôn trong sạch, vững mạnh, đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, để xứng đáng với vai trò tiền phong. Khi dân đã tin, sẽ ủng hộ hết lòng, đó là điểm tựa vững chắc nhất để cùng với Đảng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

 Gần đây, chúng ta được nghe nhiều về Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Đây cũng là cách cụ thể hóa một Nhà nước pháp quyền. Ông đánh giá thế nào về thông điệp mạnh mẽ này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

- Chính phủ nhiệm kỳ này, đặc biệt người đứng đầu Chính phủ sau khi được bầu đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Thực tế từ một số vụ việc gần đây đã cho thấy tín hiệu tích cực của Chính phủ mà người dân đang rất kỳ vọng đó. Như việc “cởi trói” cho DN, vụ Formosa, vụ quán “Xin chào” hay hình ảnh dư luận quan tâm khi đoàn xe của Thủ tướng đi vào Hội An. Thủ tướng đã trực tiếp có ý kiến và có rất nhiều tuyên bố mạnh mẽ như “tìm người tài chứ không tìm người nhà” hay “ta bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai”… Phải nói rằng, những thông điệp ấy, dân nghe rất sướng, nhưng sẽ còn sướng hơn nếu thấy các cơ quan công quyền biến điều đó thành hiện thực.

Như tôi đã nói ở trên, đã có tín hiệu đáng mừng rồi, mong sẽ tiếp tục duy trì lâu dài. Mong tất cả cùng bắt tay vào hành động cụ thể, đừng chỉ hô hào những điều người dân nghe rất nhiều rồi. Thực tế qua báo chí cho thấy, còn không ít cơ quan có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều vụ việc bé nhỏ, nhưng vẫn xin ý kiến cấp trên, thậm chí cả T.Ư chỉ đạo. Thủ tướng, Chính phủ phải lo những việc đại sự, không phải cái gì cũng dồn hết lên vai, thời gian đâu mà xử lý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần