Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phá độc quyền bằng độc quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người tự hỏi, vì sao giá bản quyền các giải đấu quốc tế quá cao trong khi các đội bóng trong nước chẳng thể kiếm được một xu từ sự kiện do mình hao công tốn của để tổ chức ra?

Phá độc quyền bằng độc quyền - Ảnh 1
Không thể so sánh bản quyền giải đấu trong nước với các sân chơi hàng đầu thế giới. Nhưng có một thực tế, các giải thể thao trong nước vẫn có chỗ đứng riêng của nó. Nói đâu xa, một trong những chương trình được nhiều người xem nhất của VTV là tường thuật các trận đấu V-League. Các đài truyền hình vẫn có nguồn thu từ quảng cáo, từ phí thuê bao hàng tháng của khách hàng. Ấy vậy nhưng, để đòi được tiền từ nhà đài lại là chuyện khó như lên trời.

Cái khó của V.League hay các giải đấu khác là họ không có công cụ phát truyền dẫn, phát sóng các sự kiện của mình. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình. Mà không thể phát sóng thì nhà tài trợ sẽ bỏ đi. Để tránh sự độc quyền của từ nhà đài, năm 2010, VFF đã có một quyết định mang tính đột phá là bán toàn bộ bản quyền các giải đấu quốc nội cho AVG với số tiền 6 tỷ đồng và lũy tiến 10% năm. AVG sẽ tổ chức phát sóng và bán cho các nhà cung cấp dịch vụ khác.

Thế nhưng, cuộc cách mạng về bản quyền ở bóng đá Việt Nam chỉ kéo dài được một năm. Sau khi VPF được thành lập bởi một số ông bầu, hợp đồng độc quyền của AVG bị hủy bỏ. VPF quyết định đổi bản quyền lấy sóng quảng cáo cho các nhà tài trợ. Chỉ có điều, số tiền từ tài trợ không thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng như dự tính ban đầu. Và bây giờ, người ta lại thấy tiếc bởi con gà bản quyền không thể đẻ ra trứng vàng.

Một lần nữa, dư luận lại đặt câu hỏi là bao giờ các đội bóng Việt Nam có thể tìm được nguồn thu từ bản quyền truyền hình? Đây là vấn đề sống còn bởi sự đầu tư của các ông bầu có hạn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện tại.

Muốn kiếm được tiền, VPF phải đối diện và vượt qua sự độc quyền về phát sóng. Có nghĩa là họ phải tổ chức được phát sóng, truyền dẫn các trận đấu hoặc có đối tác làm được điều đó. Một khi không phải phụ thuộc vào các nhà đài thì đương nhiên họ sẽ có điều kiện để mặc cả về tiền bản quyền truyền hình. Khi ấy, bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ khơi được nguồn tài chính để tự nuôi sống mình.