14/16 bệnh nhân đã ra viện
Trong số các ca bệnh đã được điều trị khỏi Covid-19, đáng chú ý là trường hợp bệnh nhi 3 tuổi điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư. Đây là trường hợp lây nhiễm cộng đồng, bệnh nhi lây từ bà ngoại do tiếp xúc gần (bé và mẹ ở nhà bà ngoại - người đã tiếp xúc với người dương tính Covid-19 trong 4 ngày). Đây cũng là trường hợp F3 đầu tiên mắc Covid-19 (nguồn lây cho bé lây từ người khác) tại Việt Nam.
Đề cập đến công tác điều trị, GS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết: "Đây là ca bệnh đặc biệt, bệnh lạ, lại còn xảy ra ở trẻ quá nhỏ, rất có thể ca bệnh sẽ có diễn biến phức tạp, diễn biến bất trắc cần sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại, các chuyên gia để xử lý nhanh khi có tình huống xảy ra. Chính vì vậy, ngay trong tối 11/2, sau khi phát hiện dương tính Covid-19, bé và mẹ đã được chuyển xuống BV Nhi T.Ư để cách ly và điều trị".
Hà Nội không còn ca nghi nhiễm Covid-19
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 12 giờ ngày 20/2, trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Tất cả 74 ca nghi nhiễm đến nay đều cho kết quả âm tính. Trong tổng số người đến từ vùng dịch cần giám sát y tế 2.029 ca, đã có 1.648 người kết thúc giám sát, hiện còn 388 người đang tiếp tục được giám sát y tế. Số người cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an TP là 65 ca.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, mặc dù dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam nhưng cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đi về từ vùng có dịch và kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, khoanh vùng xử lý sớm.
Tại buổi công bố bệnh nhi khỏi bệnh và ra viện sáng 20/2, TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, BV Nhi T.Ư cho biết thêm, khi tiếp nhận ca bệnh đặc biệt này, bản thân ông và các bác sĩ, nhân viên y tế phải xem lại những kiến thức y học virus SARS-CoV2 gây ra Covid-19. "Chúng tôi nhìn thấy đường lây truyền của loại virus này và biết rằng để hạn chế tối đa sự lây truyền, phải cắt được đường lây. Do đó, khi người mẹ chăm sóc, tiếp xúc với bé được đeo khẩu trang, tránh giọt bắn của trẻ vào mắt, mũi, miệng, đường hô hấp, thực hiện rửa tay sạch sẽ, đi găng tay. Vì vậy, mẹ chăm sóc và gần gũi con nhiều ngày nhưng vẫn không bị lây. Đồng thời, các nhân viên y tế chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân không bị lây nhiễm chéo do thực hành an toàn chuẩn chỉnh" – TS Lâm nói.
Chiều cùng ngày, Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tiếp tục công bố điều trị thành công cho thêm 2 bệnh nhân mắc Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi tại BV tuyến huyện này là 4 người. Đó là bệnh nhân P.T.T. (nữ, 49 tuổi, ở Sơn Lôi, Bình Xuyên). Bà T. là mẹ ruột của bệnh nhân N.T.D. (1 trong 8 công nhân từ Vũ Hán, Trung Quốc về đã được điều trị khỏi). Bệnh nhân thứ 2 là N.T.T.D. (nữ, 16 tuổi), là con gái bệnh nhân P.T.T. và là em ruột bệnh nhân N.T.D. Sau 14 ngày điều trị, cả 2 bệnh nhân này đều không sốt, sức khỏe ổn định.
Như vậy, đến nay, Vĩnh Phúc chỉ còn 1 trường hợp duy nhất mắc bệnh là ông N.V.V. (bố của bệnh nhân N.T.D.). Còn tại TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân Việt kiều Mỹ, 73 tuổi điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới, sau 5 lần cho kết quả âm tính với Covid-19, hiện đã khỏi bệnh. Dự kiến ngày hôm nay (21/2), bệnh nhân được xuất viện.
Phân tuyến hợp lý, hiệu quả
Trao đổi về phác đồ điều trị, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, phác đồ được cập nhật theo các phiên bản khác nhau của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra và các phiên bản các phác đồ mà Trung Quốc đã áp dụng thành công vừa rồi.
Còn theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), để ứng phó với dịch bệnh, ngành y tế đã họp hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Với căn bệnh này, nhận thấy có những đặc thù với bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.
Ông Khuê cho biết thêm, đến nay, trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus Corona gây ra. Phác đồ điều trị chủ yếu là triệu chứng, nhưng với tỷ lệ 15/16 ca đã âm tính (14 ca được xuất viện tính đến chiều 20/2) cho thấy, phác đồ điều trị của Việt Nam là hiệu quả. “Đây là những tín hiệu vui trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Có được thành công này do Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp theo đúng tinh thần của Thủ tướng "chống dịch như chống giặc”” - ông Khuê nhấn mạnh.
Hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục phân tuyến điều trị Covid-19. Với những bệnh nhân có triệu chứng không nặng thì giữ ở tuyến tỉnh điều trị. Tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã giữ bệnh nhân điều trị tại tỉnh và đã thành công khi điều trị khỏi cho bệnh nhân. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã điều trị khỏi bệnh nhân Covid-19 ngay tại tuyến huyện. Việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các BV của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả.