Phác họa thêm về giáo dục thời đại 4.0

Quý Thụy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo dục trực tuyến là xu hướng đã có từ lâu nhưng phát triển mạnh mẽ vài năm gần đây, nhất là khi có dịch Covid -19. Xu hướng này gặp thời đại 4.0 như "cá gặp nước".

Rất nhiều ưu điểm
Quá trình phát triển học tập trực tuyến trên thế giới đã cho thấy, loại hình này phát huy nhiều ưu thế và mang lại hiệu quả cao cho cả người học lẫn phụ huynh.

Theo những so sánh về việc học trực tuyến và học offline (lớp học truyền thống), cùng một môn học hoặc cùng một lĩnh vực, việc học trên môi trường trực tuyến giúp rút ngắn khoảng 40 - 60% thời gian hoàn thành toàn bộ kiến thức, tiết kiệm từ 50 - 70% chi phí. Chính vì thế hiện nay không ít những lớp học, khóa học trực tuyến được mở ra để thông qua môi trường trực tuyến. Không phải chỉ những khóa học cho sinh viên, những khóa học trực tuyến đã chứng minh ưu thế dành cho cả đối tượng là học sinh tiểu học, trung học.
Trước đây, phụ huynh đơn thuần chỉ sử dụng những thiết bị kết nối Internet như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh để con nhỏ giải trí, chơi game, xem hoạt hình… , nhưng hiện nay, các bậc cha mẹ có thể giúp con trải nghiệm và tiếp thu kiến thức tại nhà thông qua các khóa học trực tuyến. Trẻ có thể học tiếng Anh, giải một bài toán phức tạp, ôn lại bài học trên lớp, chuẩn bị bài học mới… trên môi trường trực tuyến thông qua tương tác với giáo viên bằng các video trực quan, sinh động.
 Một chương trình giáo dục trực tuyến tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trong thời đại bận rộn như hiện nay, việc mỗi ngày phụ huynh phải chen chúc đưa con đến trường rồi các lớp học thêm, lớp phụ đạo… là áp lực rất lớn và đôi lúc còn là khó khăn tài chính với nhiều phụ huynh. Cha mẹ phải sắp xếp thời gian, phân chia công việc để đưa đón trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, với các lớp học trực tuyến, việc học tập của con trở nên đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Phụ huynh có thể cùng con học tập tại nhà thông qua các thiết bị như máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh… Trong thời gian quan sát trẻ học tập, phụ huynh có thể làm các công việc khác vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian đi lại.

Danh hiệu đại học đổi mới nhất nước Mỹ

Thời điểm cuối tháng 11/2020, tổ chức US News and World Report ở Mỹ công bố danh sách 10 đại học đổi mới nhất nước Mỹ năm 2021, và đầu bảng là Đại học Bang Arizona State (ASU: Arizona State University).

Lý do ASU được chọn được nêu rõ: ASU đã nỗ lực đầu tư gấp đôi cho nghiên cứu bên cạnh việc đẩy mạnh các khóa học online chất lượng.

US News and World Report cho biết giáo dục đại học thường có sự thay đổi chậm hơn các loại hình giáo dục khác. Tuy nhiên, một số trường sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thử nhiều cách tiếp cận giáo dục mới. Để công nhận nỗ lực chuyển mình của các trường, tổ chức này đã xếp hạng đại học đổi mới nhất, dựa trên kết quả khảo sát sinh viên, giảng viên hàng năm. Trong cuộc khảo sát trên, mỗi người được yêu cầu đề cử tối đa 15 đại học đang tạo ra những thay đổi mới hứa hẹn thuộc các lĩnh vực giảng dạy, sau đó nêu rõ lý do.
Từ hàng chục nghìn ý kiến phản hồi, US News đưa ra danh sách 10 đại học đổi mới nhất nước Mỹ năm 2021 theo thứ tự như sau: Đại học Bang Arizona ASU, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Bang Georgia, Viện Công nghệ Georgia, Đại học Purdue, West Lafayette, Đại học Stanford, Viện Công nghệ California, Đại học Carnegie Mellon, Đại học Maryland, Baltimore, Đại học Elon.

Theo báo cáo trên, dù 10 năm qua, ASU đã nỗ lực đầu tư gấp đôi kinh phí nghiên cứu nhưng mọi người vẫn biết nhiều hơn đến đại học này trong giáo dục trực tuyến. ASU sở hữu các khóa học online tốt nhất nước Mỹ, thể hiện sự bắt nhịp và đổi mới trong nhiều lĩnh vực giảng dạy, nhất là khi Covid-19 còn rất phức tạp tại Mỹ.

Viện Công nghệ Massachusetts đứng thứ hai khi những năm qua đẩy mạnh phát triển nghiên cứu nhiều lĩnh vực mới như nhiếp ảnh, du hành vũ trụ. Kế đó là Đại học Bang Georgia State, Viện Công nghệ Georgia và Đại học Purdue. Nằm ở thung lũng Silicon (Bang California), Đại học Stanford đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng khi tiếp cận với những công nghệ hàng đầu thế giới, từ đó ứng dụng vào chương trình. Trường có nhiều phát minh, đổi mới có giá trị như xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao, phần mềm phân tích dữ liệu và đẩy mạnh Internet tốc độ cao. Bốn trường còn lại của top 10 gồm Viện Công nghệ California, Đại học Carnegie Mellon, Đại học Maryland, Baltimore và Đại học Elon.

Việt Nam không ngoài cuộc

Nhiều trường học Việt nam áp dụng dạy - học trực tuyến. Trong đó, Đại học RMIT (của Úc) tại Việt Nam được xem là một trong những đại học đi đầu trong đào tạo online. Năm 2020, vì dịch Covid, trường tổ chức chuỗi “Ngày trải nghiệm” thường niên trên nền tảng trực tuyến trong bốn ngày 7, 8, 14, 15 tháng 11/2020 cho học sinh và phụ huynh toàn quốc.

Đại diện trường cho biết, những năm trước, trường tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm riêng cho từng nhóm ngành Kinh doanh, Sáng tạo, Công nghệ. Nhưng năm nay, do dịch Covid và muốn thời gian tăng cường trải nghiệm online cho học sinh, RMIT Việt Nam chuyển hoàn toàn sang tổ chức online, kết hợp cả 3 nhóm ngành trong cùng chuỗi ngày trải nghiệm. Là đại học hàng đầu về công nghệ, nhiều năm nay RMIT Việt Nam đã ứng dụng nền tảng mở trong lĩnh vực giảng dạy trực tuyến bắt nhịp thời đại 4.0.

Giáo dục trực tuyến E-learning bắt đầu hiện diện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000 và thực sự phát triển từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên theo các chuyên gia đánh giá, Edtech (giáo dục kết hợp công nghệ) của Việt Nam hiện nay có thể chỉ tương đương với mức độ phát triển của thương mại điện tử cách đây 10 năm. Tại Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm Học đường 4.0 , các chuyên gia đưa ra dự đoán thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023, và thông tin rằng, Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất với tỷ lệ tăng trưởng 44,3%.

Cũng theo thông tin từ diễn đàn nói trên, Việt Nam hiện có 100 start-up khai thác tiềm năng thị trường này và có trên 2 triệu người đang tham gia nhiều chương trình qua mạng. Yếu tố thúc đẩy Edtech phát triển là do nhu cầu tăng về nội dung đa phương tiện, xu hướng lựa chọn học tập tiết kiệm thời gian, chi phí thấp. Ngoài ra, do Chính phủ đang thúc đẩy khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin. Các chuyên gia cho rằng đây cũng là thời gian chuẩn bị trước khi mọi thứ thay đổi chóng mặt.
Trong Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm Học đường 4.0 tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia công nghệ thông tin và giáo dục dự đoán rằng trong 10 năm nữa, khoảng 50% số sinh viên ở Việt Nam sẽ học trực tuyến. Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, trong giai đoạn dịch COVID-19, gần 80%  số học sinh - sinh viên Việt Nam học trực tuyến; Việt Nam được xếp thứ 17/200 quốc gia kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin ứng phó với đại dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần