Các chuyên gia luật dẫn chứng một vụ việc từng xảy ra ở tỉnh Hải Dương tháng 5/2013. Cụ thể, một xe tải chở lô hàng bạch tuộc của các chủ hàng (là ngư dân ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) lưu thông từ sân bay Nội Bài về tỉnh Quảng Ninh, đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Hải Dương yêu cầu dừng xe kiểm tra. Thấy lô hàng là bạch tuộc, lực lượng Cảnh sát giao thông đã thông báo cho Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương.
Năm 2013, Công an tỉnh Hải Dương từng phải bồi thường 650 triệu đồng vì tạm giữ xe chở hàng bạch tuộc quá lâu, bị hư hỏng hoàn toàn. |
Với lý do lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương đã đến đưa xe hàng về bãi lưu giữ. Do quá trình lập biên bản, xử lý vụ việc quá lâu, toàn bộ số bạch tuột đã bị hư hỏng hoàn toàn.
Theo các chủ hàng, Thông tư số 32/2012 của Bộ NN&PTNT quy định “thủy sản không phải kiểm dịch nếu không xuất xứ từ vùng có dịch” trong khi TP Hồ Chí Minh chưa công bố bạch tuộc có dịch nên Công an tỉnh Hải Dương giữ hàng sai luật. Cuối cùng, Công an tỉnh Hải Dương phải chấp nhận bồi thường 650 triệu đồng.
Góp ý cho việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC năm 2012, xung quanh ý kiến khi xử phạt hành chính mà về sau mới phát hiện là không đúng, trong khi tiền phạt đã nộp vào ngân sách Nhà nước thì phải xử lý thế nào, có phải bồi thường cho người bị xử phạt, bị thiệt hại hay không, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn khẳng định, phải bồi thường nếu xử phạt hành chính sai, gây thiệt hại cho người bị xử phạt.
Góp ý cho các vấn đề khác từ báo cáo dự kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Thái Hà (Công an TP Hà Nội) đề nghị tới đây phải quy định rõ để có thể phân biệt được thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản. Bởi thực tế vẫn có người hiểu người có thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản là không ổn.
Chẳng lẽ trong một vụ việc vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND TP thì Chủ tịch đi lập biên bản? Bên cạnh đó, đối với quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính, trong một vụ bắt sòng bạc lớn có thể lên đến hàng trăm người, lực lượng chức năng phải sàng lọc đối tượng mà nếu chỉ tạm giữ hành chính 12 – 24 giờ thì không thể thực hiện kịp. Do đó, nhiều nội dung nếu không quy định thì thực tế triển khai sẽ gặp khó khăn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình (Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH) phản ánh vướng mắc của Bộ này về thẩm quyền xử phạt. Cụ thể, cơ quan giải quyết tranh chấp lao động (Hội đồng trọng tài) phát hiện vi phạm, lập biên bản xử lý thì bước tiếp theo phải làm gì. Nếu được, cần cho phép Hội đồng trọng tài được ra quyết định xử phạt ngay. “Ngoài ra, việc xây dựng luật cần cân nhắc khi sửa đổi các quy định về biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong bối cảnh chuẩn bị triển khai các chủ trương của Nhà nước về cai nghiện theo hướng hạn chế đưa vào các cơ sở cai nghiện, tăng cường cai nghiện tại gia đình, cộng đồng” – ông Bình kiến nghị.