Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Phải có giải pháp cả cấp bách, lâu dài trước tình hình sạt lở nghiêm trọng

Chiều 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực tế và có cuộc làm việc về tình hình sạt lở ven biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Thủ tướng thị sát tình hình sạt lở ven biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bằng máy bay trực thăng - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Trước đó, trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Di chuyển bằng trực thăng và ô tô, Thủ tướng và đoàn đã kiểm tra tình hình sạt lở ven biển tại nhiều khu vực như thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng; khu vực biển Nhà Mút và cửa sông Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu; các khu vực biển: Hốc Năng, Vàm Xoáy, Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển; huyện Đầm Dơi; khu vực Đất Mũi của tỉnh Cà Mau.

Sau đó, tại Hội trường Tỉnh ủy Cà Mau, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Thủ tướng đánh giá tình trạng sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng rừng ngập mặn là nghiêm trọng tại ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc bậc nhất cả nước, có hơn 80 cửa biển, cửa sông thông ra biển và có bờ biển dài với 254 km. Hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh Cà Mau). Còn hiện nay, tổng chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425/8.118 km sông, rạch, trong đó các đoạn bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120 km. Sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng gần 28 km đường giao thông và hàng trăm căn nhà, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khu vực với diện tích hơn 3.700 ha.

Tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 89 km, trong đó các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 31 km với tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25-50 m, đặc biệt có những nơi lên đến 80 m. Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên, nên đường bờ biển bị dịch vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá hủy.

Thủ tướng khảo sát sạt lở ven biển tỉnh Bạc Liêu (Khu vực biển Nhà Mút và cửa sông Gành Hào) - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại Bạc Liêu, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng cho biết từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 35 trường hợp sạt lở. Các đợt sạt lở đã làm thiệt hại 71 căn nhà, bị ảnh hưởng 119 căn nhà (xuất hiện các vết nứt); chiều dài sạt lở gần 1.700 m. Ước tính thiệt hại do các đợt sạt lở gây ra gần 23 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Bạc Liêu đã xảy ra 6 trường hợp sạt lở. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2023, Bạc Liêu đã xảy ra 8 trường hợp sạt lở bờ sông, bờ biển, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và các năm trước đây. Các đợt sạt lở làm 119 căn nhà bị sập và bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và gây sập, thiệt hại các công trình khác.

Tại Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cho biết từ đầu năm tới nay, đã có trên 80 đoạn sạt lở bờ sông dài khoảng gần 1.800 m. Tình trạng sạt lở đê biển chủ yếu trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Nhiều nơi hiện nay đai rừng phòng hộ không còn, sóng đánh trực tiếp vào thân đê nguy cơ vỡ đê vào những ngày triều cường là rất cao. Ngoài ra, triều cường sông Hậu gây tràn nhiều đoạn đê tại huyện Cù Lao Dung.

Trước tình hình nói trên, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện Kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; cùng với sự cố gắng nỗ lực của địa phương, những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả.

Riêng Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 55,7 km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 1.720 tỷ đồng. Hiện tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 42,2 km kè biển, với kinh phí 1.785 tỷ đồng.

Thủ tướng khảo sát tình hình sạt lở tại khu Du lịch Khai Long, tỉnh Cà Mau - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thống kê sơ bộ từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương ĐBSCL 11.453 tỷ đồng khắc phục 190 vị trí sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân. Từ năm 2015 đến nay, đã trồng và phục hồi 10.042 ha rừng ngập mặn với tổng kinh phí 1.931 tỷ đồng; dự kiến giai đoạn 2022-2025 tiếp tục trồng 2.631 ha rừng ngập mặn. Đã tổ chức di dời 21.696 hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở với tổng kinh phí hỗ trợ 1.773 tỷ đồng.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, từ đầu năm tới nay, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, cần các giải pháp cấp bách và lâu dài.

Sau chuyến thị sát, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đánh giá tình trạng sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng rừng ngập mặn là nghiêm trọng tại ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển, Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư).

Cùng với đó, chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực sự cấp bách, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản người dân, lập dự án cụ thể, nghiên cứu, cân đối, bố trí nguồn lực, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai các dự án cần làm ngay.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp căn cơ, bài bản, chiến lược lâu dài như quai đê lấn biển tại những nơi có điều kiện phù hợp (vừa phát triển giao thông, vừa chắn sóng, chống sạt lở, xâm thực, vừa giữ được phù sa để lấn biển).

Dự kiến trong ngày mai, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục khảo sát thực địa và làm việc với các địa phương ĐBSCL về nội dung này.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Công an phường Hải Châu: Phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh tại trung tâm thành phố

Công an phường Hải Châu: Phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh tại trung tâm thành phố

12 Jul, 10:01 PM

Kinhtedothi - Ngày 12/7, Đảng bộ Công an phường Hải Châu (Đà Nẵng) tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đây là Đại hội đầu tiên kể từ khi Đảng bộ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 Chi bộ Công an các phường: Hải Châu 1, Phước Ninh, Thạch Thang, Thuận Phước và Thanh Bình, theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Hoàn thành công trình cải tạo, nâng cấp mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

Hoàn thành công trình cải tạo, nâng cấp mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

12 Jul, 04:31 PM

Kinhtedothi - Ngày 12/7, nhân dịp Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ hoàn thành công trình cải tạo, nâng cấp mộ liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên và tặng quà người có công với cách mạng.

An ninh nhân dân - Lá chắn thép giữ vững bình yên Tổ quốc

An ninh nhân dân - Lá chắn thép giữ vững bình yên Tổ quốc

12 Jul, 09:53 AM

Kinhtedothi - Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng An ninh nhân dân luôn là thanh kiếm sắc bén, lá chắn vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tỉnh Hưng Yên: bước chuyển mạnh mẽ từ hợp nhất hành chính

Tỉnh Hưng Yên: bước chuyển mạnh mẽ từ hợp nhất hành chính

12 Jul, 09:51 AM

Kinhtedothi - Ngày 1/7/2025, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình chính thức hợp nhất, mở ra một chương phát triển mới cho vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng. Với tên gọi chung là tỉnh Hưng Yên, địa phương này đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, hướng tới một không gian phát triển bền vững, hiện đại và thông minh.

Sôi nổi Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Ninh Bình

Sôi nổi Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Ninh Bình

11 Jul, 11:10 PM

Kinhtedothi - Chiều 11/7, tại xã Phát Diệm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chào mừng 80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ