Phát biểu ý kiến với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tại buổi đối thoại, ông Phạm Hoàng Anh - Giám đốc hợp tác xã sản xuất dịch vụ thương mại Hoàng Tuyến bày tỏ sự cảm động, khi lần đầu tiên có một buổi lãnh đạo tỉnh trao đổi trực tiếp với nhân dân liên quan đến đền bù giải tỏa đất đai vùng dự án sân bay Long Thành.
Ông Anh cho biết, gia đình ông đã nhường 1 héc ta đất trồng cây để làm dự án xây dựng hai tuyến giao thông quan trọng nối với sân bay. Ông Anh đề xuất: “Lãnh đạo tỉnh xem xét sớm có hướng giải quyết cho chúng tôi thuê đất ở một nơi khác để di dời công ty đến. Chứ di dời xong không có đất khác để thuê sản xuất thì quá thiệt cho công ty chúng tôi”.
Còn bà Phan Thị Tâm (ngụ huyện Long Thành) cho biết, bản thân bà rất đồng thuận với chủ trương của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, bà Tâm tỏ ra lo lắng bản thân bà cũng như những hộ gia đình khác không đủ kinh phí để xây nhà ở sau khi nhận đất tái định cư. Bà Tâm mong muốn, chính quyền xem lại chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Trong khi đó, ông Cao Ngọc Tháp cho biết gia đình ông đã sinh sống trên 30 năm tại vùng đất đang thực hiện dự án sân bay Long Thành. Khi thực hiện dự án, gia đình ông vui vẻ chấp thuận mọi quy định di dời để Nhà nước làm dự án, giúp đất nước phát triển. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự băn khoăn khi di dời thì cả gia đình ông còn có cha mẹ, con cái đi theo với nhiều xáo trộn trong cuộc sống.
“Nếu phải chuyển tới ở trọ chờ tái định cư thì khiến cuộc sống xáo trộn rất nhiều. Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước xem xét sớm bố trí tái định cư cho chúng tôi, đồng thời bồi thường tái định cư thỏa đáng" - ông Tháp nói.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 28 ý kiến của đại diện các hộ gia đình trong vùng dự án. Hầu hết các ý kiến phản ánh thời gian qua, khi thực hiện dự án xây dựng sân bay Long Thành, cuộc sống của người dân gặp nhiều vấn đề phát sinh, phức tạp. Trong đó, người dân thật sự mong muốn chính quyền Đồng Nai thực hiện mức giá bồi thường đất, nhà và chính sách di dời các hộ dân một cách phù hợp nhất.
Trả lời các thắc mắc của người dân, ông Lê Văn Tiếp - Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, về mức giá bồi thường, giá đất cao nhất với đất nông nghiệp cộng với tiền hỗ trợ ổn định đời sống là hơn 2,3 triệu đồng/m2, thấp nhất 735.000 đồng/m2. Đối với giá đất ở cao nhất, thuộc vị trí 1 tiếp giáp Quốc lộ 51 gần 10 triệu đồng/m2 và thấp nhất là hơn 2,3 triệu đồng/m2 ở vị trí 4 nằm phía trong.
Hiện nay, tuyến đường T1 đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, dự kiến ngày 25/3/2023 cơ quan chuyên môn sẽ mời các hộ dân tới công khai phương án bồi thường. Đến đầu tháng 4/2023, sẽ duyệt chi trả tiền bồi thường cho tuyến đường này. Còn tuyến đường T2 cũng hoàn thành 80% việc xác định hồ sơ pháp lý, tháng 4/2023 sẽ áp giá và tới cuối tháng 4/2023 chi trả bồi thường. Đối với công tác xét tái định cư, trong tháng 3/2023 sẽ xét tái định cư tuyến T1, tháng 4/2023 xét tái định cư tuyến T2.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các ngành chức năng cần sớm nỗ lực thực hiện nhanh nhất các thủ tục để triển khai hai tuyến đường kết nối sân bay. Đây là tuyến đường kết nối rất quan trọng nhằm phục vụ sân bay, kể cả trong giai đoạn đang xây dựng, giúp vận chuyển các thiết bị để xây dựng sân bay.
“Cần đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm triển khai dự án. Phải đền bù, hỗ trợ tốt nhất cho người dân bị giải tỏa để sớm ổn định cuộc sống. Phải đáp ứng được nhu cầu về nơi ở của người dân, điều kiện sống ở nơi mới phải tốt hơn nơi ở cũ”, Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo.