Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo xoay quanh quá trình chấm, lựa chọn các đồ án thiết kế của các đơn vị tham gia.
Thưa ông, Hội đồng chấm thi sẽ bình xét theo tiêu chí như thế nào để lựa chọn được phương án đáp ứng kỳ vọng của người dân Thủ đô?
- Cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được tổ chức nhằm tìm kiếm đồ án hợp lý nhất với đặc thù riêng của dự án. Ở đây, cầu có vị thế đặc biệt quan trọng khi kết nối với hầu hết khu công cộng, hành chính, văn hóa, y tế, giáo dục, dân cư đông đúc ở các quận trung tâm Hà Nội.
Đây cũng là công trình được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP và đông đảo người dân Thủ đô quan tâm, kỳ vọng trở thành điểm nhấn mới tại khu vực trung tâm TP cũng như trong tiềm thức của người dân cả nước. Bởi vậy, Hội đồng chú trọng đến thiết kế kiến trúc cầu tốt và đặc sắc nhất, với tiêu chí phải mang đậm nét văn hóa của Hà Nội trong thời kỳ hiện tại và hướng tới tương lai. Yếu tố này trở thành tiêu chí chủ đạo của cuộc thi.
Ngoài ra, còn điều kiện gì để bài thi được nhận thêm điểm cộng?
- Bên cạnh yếu tố về văn hóa, thẩm mỹ, bài thi còn cần phải đáp ứng được 2 điều kiện nữa. Một là, về cấu trúc giao thông, cầu phải có được thiết kế vận dụng hợp với thực tiễn, có chức năng giảm tải cho các cây cầu hiện có, tạo sự kết nối với trung tâm TP, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Bắc sông Hồng. Thứ hai, về mặt giá thành, phương án được lựa chọn phải phù hợp với yêu cầu về tổng mức, theo quy định của Hà Nội và nhận được sự đồng thuận của người dân Thủ đô.
Ông đánh giá thế nào về chất lượng các thiết kế tham gia cuộc thi tuyển chọn?
- Với 20 đồ án của 12 đơn vị, đa số thành viên chấm thi đều cho rằng chất lượng của các đồ án mang đến cuộc thi đều tương đối tốt. Điều này cũng tạo khó khăn để chọn ra phương án cuối cùng. Nhưng với tinh thần làm việc tập trung, trí tuệ của Hội đồng, chúng tôi hy vọng rằng cuộc thi sẽ kết thúc với đồ án đạt được nhiều tiêu chí nhất. Tất nhiên, sau đó sẽ còn những bước hoàn thiện chi tiết.
Cuộc thi có cả đơn vị trong nước và quốc tế tham gia, làm sao để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, thưa ông?
- Chắc chắn, việc lựa chọn phương án kiến trúc được đảm bảo hoàn toàn minh bạch, công khai. Trong thời gian Ban tổ chức nhận bài thi, các đơn vị nộp đồ án thiết kế được ẩn danh, bài thi cũng được đánh theo mã số, do đó Hội đồng chấm chỉ dựa trên chất lượng, không đánh giá theo năng lực, uy tín đơn vị nộp bài.
Tại buổi chấm thi, Hội đồng thực hiện bỏ phiếu kín sơ loại để chọn lựa 5 đồ án có mức độ đồng thuận cao nhất, sau đó chúng tôi mới tiếp tục thảo luận về ưu, nhược điểm của từng thiết kế để tìm ra phương án có chất lượng tốt nhất, đảm bảo đáp ứng đủ nhất các tiêu chí. Có thể nói, các bài thi đều trải qua quá trình chấm, duyệt vô cùng khắt khe, với 19 thành viên Hội đồng là những chuyên gia hàng đầu trong ngành xây dựng, kiến trúc, tổ chức giao thông.
Khi nào cuộc thi có kết quả phương án đoạt giải và lộ trình triển khai dự án sẽ diễn ra sao, thưa ông?
- Đối với chức năng của Hội đồng, sau ngày chấm thi, kết quả sẽ được chúng tôi thống nhất và có biên bản qua Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội để cơ quan này báo cáo lên các cấp TP. Theo quy định về mặt pháp luật, lãnh đạo TP Hà Nội là người cuối cùng chốt phương án.
Về mặt định hướng, cầu Trần Hưng Đạo là công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội và là một trong những cầu đường bộ vượt sông Hồng đoạn qua địa phận Hà Nội, đã được xác định vị trí trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
Cầu Trần Hưng Đạo là công trình ghi dấu ấn sự thay đổi của đất nước, như một biểu trưng của Thủ đô thời hiện đại, cũng như người ta từng nhớ đến Hà Nội với hình ảnh cầu Long Biên một thời. Vì vậy, kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo cần một làn gió mới, thể hiện bàn tay thiết kế của con người sống trong thế kỷ mới.
Kiến trúc sư Trần Thanh Bình