Phải minh bạch từ sản xuất đến tiêu dùng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ngăn chặn tình trạng đưa thực phẩm bẩn ra thị trường tiêu thụ, đòi hỏi cơ quan quản lý phải đưa ra quy chuẩn chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang hiện đại.

Trên 50% mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn

Kết quả nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm thực phẩm công bố tại Diễn đàn kết nối DN - Người tiêu dùng đón sóng sản phẩm sạch do Bộ NN&PTNT tổ chức (23/8) cho thấy có tới 40/120 mẫu rau được kiểm định chứa chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, 455/735 mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.

Nguyên nhân là do Bộ NN&PTNT chưa đưa ra quy chuẩn xác định thế nào là sản phẩm sạch; Chưa thành lập cơ quan chuyên trách cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho DN. Bên cạnh đó, việc quản lý DN sản xuất thực phẩm do 3 bộ cùng quản lý… điều này gây khó cho DN trong quá trình sản xuất và công tác ngăn chặn thực phẩm bẩn.
Lực lượng liên ngành kiểm tra VSATTP tại cơ sở giết mổ của Công ty TNHH Minh Hiền, Khu công nghiệp Bích Hòa (huyện Thanh Oai). Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng liên ngành kiểm tra VSATTP tại cơ sở giết mổ của Công ty TNHH Minh Hiền, Khu công nghiệp Bích Hòa (huyện Thanh Oai). Ảnh: Hoài Nam
Doanh nhân Thái Hương Chủ tịch Tập đoàn TH cho rằng, yếu tố cốt tử đầu tiên để một doanh nghiệp có thể thành công trong lĩnh vực thực phẩm sạch là minh bạch. Minh bạch là nguồn gốc của mọi vấn đề trong xã hội. Minh bạch là cội nguồn của bất kỳ nhà sản xuất nào. Về đầu tư trong nông nghiệp, bà Thái Hương cho rằng, 3 khâu cần minh bạch là: giống, phân bón và bảo quản. Nếu thị trường thiếu minh bạch, và doanh nghiệp cũng thiếu minh bạch trong sản xuất, kinh doanh thì việc thất bại trong lĩnh vực thực phẩm sạch là điều có thể đoán trước. Chính sách phải đồng bộ và khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng tình với ý kiến này ông Lê Tư, Công ty Hồng Thanh Việt (Vũng Tàu) cho biết: Nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho các nhà hàng, khách sạn nên DN phải lên Đà Lạt tìm nguồn cung. Nhưng chỉ có số ít là thực phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap, khi DN yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận VietGap thì nhận được câu trả lời từ phía người cung cấp: Anh cần chứng nhận VietGap thì tôi lo cho. Vì thế, “việc minh bạch ngoài áp dụng cho DN, người sản xuất mà ngay cả cơ quan quản lý cũng cần đảm bảo sự minh bạch thì không có chuyện "lo chứng nhận VietGap" - ông Lê Tư đề xuất.

Ý kiến của các DN cho thấy, sở dĩ người tiêu dùng Việt Nam đang mất niềm tin vào thực phẩm sạch là vì họ không nắm được quy trình sản xuất của DN. Do đó việc minh bạch thông tin chính là yếu tố xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng.

Phải thay đổi tư duy sản xuất

Thực tế cho thấy, muốn ngăn chặn thực phẩm bẩn  cơ quan quản lý, DN thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chỉ sản xuất thực phẩm sạch.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng: Muốn đảm bảo an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp cần phải tái cơ cấu theo hướng chuyển từ sản xuất kiểu truyền thống thành ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm. “Ngành nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nên làm theo 2 hướng gồm tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất lớn và áp dụng tiến bộ công nghệ. Đồng thời hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng từ gieo trồng, canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến cho đến người tiêu dùng” - ông Trương Đình Tuyển nêu rõ.

Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (IPSARD) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: Trong quá trình sản xuất nông nghiệp nông dân là chủ thể nhưng trong quá trình tái cơ cấu DN phải giữ vai trò chủ đạo. “DN mới huy động được vốn, có điều kiện áp dụng đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, tổ chức tốt thị trường tiêu thụ và cả xuất khẩu. Do đó, cần đẩy mạnh vai trò của kinh tế tư nhân, biến họ thành “đầu tàu” của chuỗi giá trị nông nghiệp” - Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

Mặc dù DN giữ vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuy nhiên chính bản thân DN trong quá trình sản xuất thực phẩm sạch phải hài hòa với lợi ích cộng đồng. Nếu không có tư duy vì cộng đồng, chỉ nghĩ lợi nhuận thì sớm hay muộn DN cũng thất bại.
Kỷ luật thị trường tại Việt Nam rất kém. Chúng ta cũng chưa phân biệt được DN làm ăn chân chính và không chân chính. Chúng ta đang chống thực phẩm bẩn từ ngọn. Đừng yêu cầu người tiêu dùng phải thông thái mà các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú

Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ. Tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5 - 10%. Như vậy, chỉ 30% là do kém may mắn, còn lại 70% là có thể phòng được ung thư.
Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt Hoàng Đình Chân

Thực phẩm muốn sạch, lại muốn rẻ thì không ổn. Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Bản thân tôi tự trồng thực phẩm cho gia đình, tôi thấy đắt chứ không hề rẻ.
Ca sỹ Mỹ Linh