Phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/10, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã tọa đàm quanh chủ đề “Phát huy dân chủ trong thời kỳ internet, đấu tranh phòng chống tham nhũng, giám sát và phản biện xã hội”, nhằm góp ý vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát huy dân chủ, vấn đề hết sức quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đây cũng là giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả. Vấn đề đặt ra là ai giám sát và phản biện, giám sát cái gì và như thế nào và những điều kiện đảm bảo sự thành công của hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Nhưng công tác giám sát và phản biện xã hội chưa được quy định thành luật buộc các cơ quan Nhà nước phải thực hiện. Do đó, các cơ quan Nhà nước có thể tùy ý đặt ra yêu cầu giám sát và phản biện xã hội trong một số, không phải bao gồm tất cả các lĩnh vực. Để giám sát hiệu quả phải có những tổ chức xã hội độc lập mới có thể giám sát được những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Từ đó, có ý kiến đề nghị cần có luật về giám sát để quy định cơ quan công quyền phải làm gì, tạo điều kiện cho dân chúng được giám sát ra sao, phải cấp kinh phí để các tổ chức thực hiện giám sát - phản biện xã hội, Nhà nước phải khuyến khích việc giám sát, phản biện...