Phải xử lý trách nhiệm ban hành văn bản pháp luật trái quy định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/5, Quốc hội đã thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là dự án luật dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã, trong Dự Luật quy định cho phép cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương. Một điểm đáng chú ý khác là Dự Luật lần này đã lược bỏ nội dung quy định về việc văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, vì quy định này mâu thuẫn với nội dung tại khoản 1 Điều 158 quy định về hiệu lực của Luật…
Phải xử lý trách nhiệm ban hành văn bản pháp luật trái quy định - Ảnh 1
Ảnh mang tính minh họa (Internet)
Thảo luận về Dự Luật, các ĐB đề nghị cần nghiên cứu có biện pháp xử lý trách nhiệm với các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định pháp luật trái quy định, không đúng; văn bản ban hành nhưng không khả thi như thời gian qua. Đồng thời đề nghị cần bổ sung quy định rõ về thẩm quyền kiểm tra, giám sát và xử lý văn bản của các cấp có thẩm quyền đối với văn bản quy phạm pháp luật.

ĐB Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị: Cần làm rõ khái niệm văn bản quy phạm pháp luật vì còn nhiều điểm chung chung, gây hiểu nhầm với các loại văn bản khác. Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo tính kịp thời trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, quy định rõ cơ chế trách nhiệm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định rõ các chủ thể có trách nhiệm này phải chịu trách nhiệm trước ai, chịu trách nhiệm như thế nào để đảm bảo tính khả thi của điều luật.

Nhiều ĐB cũng đề nghị cần bổ sung quy định chủ thể ban hành VBQPPL là cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền. Thực tế cho thấy văn bản cấp huyện, xã tuy đa số là sao chép văn bản của cơ quan cấp trên nhưng vẫn có nhiều điểm mới phù hợp với tình hình địa phương, nên không thể loại bỏ thẩm quyền ban hành của cấp này.