Phản biện chính sách, chặn bong bóng bất động sản

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo chí đã và đang làm rất tốt chức năng vốn có của mình, điều này góp phần tác động rất lớn đến việc xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách của Nhà nước, trong đó có thị trường BĐS...

Trước sự phát triển như vũ bão của thông tin mạng xã hội, báo chí không vì thế mà mất đi vai trò, tầm ảnh hưởng bởi những thông tin mang tính chiều sâu, có chọn lọc, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phản biện những vấn đề liên quan đến pháp luật, chính sách phát triển triển kinh tế - xã hội nói chung, thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng.

Cầu nối thông tin quan trọng

Từ năm 1993, thị trường BĐS đúng nghĩa bắt đầu được hình thành ở Việt Nam, khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai 1993 và Pháp lệnh Nhà ở. Gần 30 năm qua, những quy định của pháp luật về lĩnh vực này luôn có sự thay đổi, điều tiết một cách linh hoạt, giúp cho thị trường BĐS ngày càng đi vào quỹ đạo, phát triển quy củ, chuyên nghiệp hơn. Nhưng trên bình diện khách quan, không thể phủ nhận những chính sách pháp luật vẫn chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng.

Báo chí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, giúp thị trường BĐS phát triển. Ảnh: Phạm Hùng
Báo chí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, giúp thị trường BĐS phát triển. Ảnh: Phạm Hùng

Đơn cử như pháp luật về đấu thầu, theo quy định thì Nhà nước phải tạo ra mặt bằng sạch nhưng thiếu kinh phí thực hiện, khi cho phép DN tham gia thì địa phương lại thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, dẫn đến nảy sinh tiêu cực, xuất hiện cơ chế xin - cho.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cũng bộc lộc nhiều bất cập. Có những dự án sau khi được phê duyệt, xin điều chỉnh đến 5 - 6 lần nhưng vẫn không thể triển khai. Tình trạng này xảy ra ở ngay giữa trung tâm đô thị lớn, như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...

Hay những vướng mắc về Luật Đất đai, Luật Nhà ở liên quan đến quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở khiến hàng trăm dự án không thể triển khai thực hiện. Cùng với đó, chính sách nhằm kiểm soát tín dụng BĐS giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong khi trái phiếu DN - lựa chọn ưu tiên đứng thứ hai sau nguồn tín dụng ngân hàng sau sự việc một số lãnh đạo DN bị bắt thời gian gần đây, khiến cho người dân trở nên e ngại với hình thức huy động vốn này.

Chưa dừng lại ở đó, trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành đã gây ra những ảnh hưởng toàn diện, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Báo cáo từ Hiệp hội BĐS

Việt Nam, trong suốt thời gian này có đến 70% DN xây dựng, BĐS bị mất doanh thu, trên 20% doanh thu chỉ còn 20 - 30%, số còn lại cũng chỉ đạt chừng 50%. Bên cạnh đó, khoảng 90% sàn giao dịch, môi giới BĐS phải đóng cửa không hoạt động do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

“Trước thực trạng nêu trên, DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS mong muốn bày tỏ những khó khăn đang gặp phải và kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi, khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Vì vậy rất cần đến vai trò của báo chí truyền thông, không chỉ là cầu nối giúp phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật từ của Nhà nước, mà còn chuyển tải những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng nhà đầu tư, DN, người tiêu dùng đến cơ quan quản lý” - Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo Nguyễn Thành Lợi nhìn nhận.

Điểm tựa cho doanh nghiệp

Nhìn lại quá trình phát triển của thị trường BĐS, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, trong nền kinh tế thị trường, thể chế là vấn đề rất quan trọng, giữ vai trò tạo hành lang pháp lý để vận hành nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS. Vì vậy vấn đề phản biện về thể chế luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Cùng với đó là việc cung cấp các thông tin mới nhất để nhận định về thị trường một cách khách quan không vì lợi ích nhóm, mà đứng trên lợi ích chung của đất nước, nền kinh tế, người tiêu dùng.

“Báo chí đã và đang làm rất tốt chức năng vốn có của mình, điều này góp phần tác động rất lớn đến việc xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách của Nhà nước, trong đó có thị trường BĐS.

Qua việc khảo sát thực tế, đặc biệt ở thời điểm sốt đất chúng tôi nhận thấy rằng chính báo chí là một trong những người đầu tiên phát hiện ra điều này và những sai phạm, tranh chấp ở các dự án cũng nhờ báo chí thông tin” - ông Lê Hoàng Châu nói.

Trước sức nặng rất lớn của thông tin mạng xã hội đối với cộng đồng, báo chí vẫn không bị mất đi vai trò của mình bởi độ tin cậy, chiều sâu thông tin.

Đơn cử như đợt sốt đất trên phạm vi cả nước vào đầu năm 2021, nhiều khu đất chỉ trong một đêm bị “thổi giá” lên gấp 3 - 4 lần nhưng với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí đã giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước nhanh chóng nắm bắt được tình hình, gấp rút ban hành biện pháp nhằm ổn định thị trường và giúp người dân, nhà đầu tư tiếp cận thông tin chính thống, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn nguy cơ “bong bóng” BĐS.

Hầu hết các CEO của các tập đoàn BĐS lớn đều cho rằng, hiện nay người dân đọc báo để mua nhà đã rất phổ biến. Điều đó cho thấy mức độ tin tưởng của họ vào những thông tin trên báo chí là lớn đến mức nào và báo chí luôn được đánh giá cao trong vai trò phản biện, giám sát đối với thị trường BĐS trong nước.

“Khi báo chí viết về các dự án sẽ giúp người dân biết được đâu là dự án tốt, không tốt và giúp khách hàng tiếp cận đến chủ đầu tư một cách dễ dàng hơn. Vì vậy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng” - Phó Giám đốc TP Land Việt Nam Đinh Thăng Long bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, trong thời gian qua, trong lĩnh vực báo chí cũng phát sinh tiêu cực liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Tình trạng một số nhà báo thiếu tư cách đạo đức nghề nghiệp khiến cho uy tín của cơ quan báo chí bị giảm sút nghiêm trọng, trở thành nỗi “ám ảnh, khiếp sợ” của DN.

Nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt, vẫn còn đó hàng vạn nhà báo “không để vì tiền mà bẻ cong ngòi bút” sẵn sàng đối diện với nguy hiểm nhằm phanh phui sự thật, tạo áp lực để cá nhân, tổ chức, DN buộc phải thỏa hiệp, làm đúng theo quy định, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đối với thị trường BĐS nói riêng, báo chí không chỉ làm tốt vai trò phản biện, mà cũng góp phần quan trọng vào việc lành mạnh hóa thị trường.

 

"Báo chí phải trung thực, đi vào những vấn đề được đa số người dân quan tâm. Trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, báo chí càng phải trí tuệ để cung cấp những thông tin chính xác. Bên cạnh đó cũng phải đưa ra được cảnh báo cho người dân nhằm tránh những rủi ro có thể gặp phải. Nếu làm được điều đó báo chí sẽ thực sự góp phần giúp thị trường BĐS trở nên minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển." - Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần