Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân biệt bệnh sốt xuất huyết và Covid-19

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch sốt xuất huyết đang xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã có 43.628 người mắc bệnh, 22 bệnh nhân tử vong (tại 9 tỉnh, thành phía Nam). So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 53,1%, tử vong tăng 17 trường hợp.

Theo bác sĩ Trần Thu Nguyệt (Bộ Y tế), hầu hết các trường hợp mắc sốt xuất huyết có thể được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức khi xuất hiện các triệu chứng trở nặng sau: Giảm thân nhiệt mạnh, đau bụng dữ dội, nôn mửa, chảy máu lợi, nôn ra máu, thở gấp, mệt mỏi, chán chường, đau đầu chóng mặt

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, cả thành thị và nông thôn, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

 Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Virus Dengue gây bệnh có 4 type, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây nên các vụ dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type cho nên một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết 4 lần bởi những type virus Dengue khác nhau.

Virus Dengue gây tổn thương sâu bên trong bạch huyết và mạch máu, khiến cơ thể bệnh nhân giảm tiểu cầu tới mức có thể gây xuất huyết, với các triệu chứng: chảy máu cam, đại tiện ra máu, chảy máu chân rang, xuất huyết dưới da…Nếu xuất huyết nặng không được kiểm soát, huyết áp tụt nhanh chóng, thân nhiệt người bệnh giảm đến dưới 35 độ C, tình trạng sốc này có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu không cấp cứu điều trị kịp thời, tình trạng mất máu nhiều, huyết tương tăng gây tràn dịch màng phổi, phù não gây hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng. 

Biểu hiện của bệnh

 4 - 7 ngày sau khi nhiễm virus sốt xuất huyết Dengue từ muỗi đốt, người bệnh xuất hiện triệu chứng bệnh sốt xuất huyết.

Thể bệnh nhẹ:

- Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, sốt liên tục, khó hạ sốt.

- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Đau người, đau cơ, khớp.

- Có thể có nổi mẩn, phát ban.

 Thể bệnh nặng:

Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Sau đây là cách phân biệt bệnh sốt xuất huyết và Covid-19

Phân biệt bệnh sốt xuất huyết và Covid-19 - Ảnh 1
Phân biệt bệnh sốt xuất huyết và Covid-19 - Ảnh 2
Phân biệt bệnh sốt xuất huyết và Covid-19 - Ảnh 3
Phân biệt bệnh sốt xuất huyết và Covid-19 - Ảnh 4