Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân biệt chủng tộc -Hố sâu khó lấp đầy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài tháng sau các vụ biểu tình quy mô lớn trên toàn nước Mỹ nhằm kêu gọi công bằng cho những người da màu là nạn nhân trong các vụ nổ súng và phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc, bầu không khí nóng bỏng ấy lại tái diễn tại Ferguson (bang Missouri).

Biểu tình thường xuyên và quy mô ngày càng lớn, thậm chí còn bùng phát thành bạo loạn cho thấy, phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề khó giải quyết của nước Mỹ.
Người dân Mỹ phản đối việc cảnh sát bắn chết nhiều người da màu trong thời gian qua. (nguồn internet)
Người dân Mỹ phản đối việc cảnh sát bắn chết nhiều người da màu trong thời gian qua. (nguồn internet)
Báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ hồi đầu tháng kết luận nhân viên Sở Cảnh sát Ferguson thường xuyên vi phạm các quyền Hiến định của công dân da đen bằng cách dùng vũ lực thái quá và bắt bớ vô cớ đã khiến ngọn lửa giận dữ của cộng đồng người da màu nơi đây bùng phát. Ngay cả khi ông Thomas Jackson - Cảnh sát trưởng Ferguson, ông Ronald Brokmeyer - Thẩm phán Ferguson và ông John Saw - quan chức quản trị của TP cùng một nhân vật có liên quan đến vụ cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết thanh niên da đen Michael Brown đã từ chức nhưng những phát súng nhằm vào cảnh sát Ferguson hôm 12/3 cho thấy rất khó để “hạ nhiệt” bầu không khí căng thẳng nơi này. Để ngăn chặn nguy cơ bạo lực bùng phát, cảnh sát hạt St. Louis và lực lượng tuần tra đường cao tốc bang Missouri đã được chỉ đạo thay thế lực lượng cảnh sát Ferguson làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại các điểm biểu tình.

Hiện chưa biết, sự việc lần này có biến thành một đợt biểu tình trên diện rộng hay không nhưng những dư chấn từ các cuộc biểu tình và bạo loạn hồi tháng 8/2014 và cuối tháng 11/2014 đã tác động tiêu cực đến hình ảnh của quốc gia dân chủ bậc nhất thế giới mà nước Mỹ theo đuổi. Về đối nội, ông Obama phải đối mặt với những cáo buộc của cử tri về việc không hoàn thành cam kết cải thiện tình trạng phân biệt chủng tộc mà ông đưa ra khi tranh cử. Bất chấp, trong suốt hơn một nhiệm kỳ cầm quyền, ông Obama - vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa cam kết của mình nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ hố sâu ngăn cách của tình trạng phân biệt sắc tộc, màu da. Về đối ngoại, Washington đứng trước tình thế “há miệng mắc quai” và nhận được nhiều chỉ trích từ các quốc gia từng bị Mỹ “đánh giá” là có vấn đề về nhân quyền. Sau các đợt biểu tình bùng phát hồi năm ngoái, để gấp rút cải thiện tình hình, ông Obama đã yêu cầu triển khai các biện pháp điều tra đối với lực lượng thực thi pháp luật, và xúc tiến dự án cấp hàng chục ngàn camera gắn vào cảnh phục để giám sát hoạt động của lực lượng chấp pháp. Trên thực tế, Bộ Tư pháp – cơ quan chịu sự điều hành của một người Mỹ gốc Phi Eric Holder đã làm rất tốt vấn đề này khi công bố bản báo cáo gây sốc về tình trạng lạm quyền và vi phạm Hiến pháp Mỹ một cách có hệ thống của cảnh sát Ferguson.

Là quốc gia có lịch sử gắn liền với những trang sử đen tối về tình trạng kinh doanh nô lệ da đen, cộng đồng da màu ở Mỹ vì thế vô cùng nhạy cảm. Tình trạng bị phân biệt đối xử mà ông Obama từng thừa nhận là diễn ra một cách công khai, hàng ngày hàng giờ khiến các vụ việc như ở Ferguson trở thành “mồi lửa” thổi bùng cơn giận dữ của cư dân da màu. Vì thế, những kỳ thị liên quan đến cộng đồng người da màu sẽ là một vấn đề nan giải và hóc búa đối với ông Obama hay bất kỳ một Tổng thống nào kế nhiệm.