Phân bổ vốn đầu tư công chậm: Phải chỉ rõ trách nhiệm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/10, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp tổ chức phiên giải trình về Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, sau khi có Luật, việc bố trí vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2016 - 2020 đã rất tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải trước đây và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn, việc rà soát, thẩm định dự án được chú trọng hơn... Tuy nhiên, Luật Đầu tư công là Luật mới, lại liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương, nên không tránh khỏi còn vướng mắc. Như nhiều dự án đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, nhưng theo quy định là dự án nhóm A phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, quy trình thủ tục thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án là rất phức tạp, qua nhiều cấp quản lý, mất nhiều thời gian. 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Trước câu hỏi của các ĐB Quốc hội về những nguyên nhân chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực (9 tháng đầu năm 2016 mới giải ngân được 51%, và 9 tháng đầu năm 2017 theo tính toán sơ bộ mới giải ngân được 46%), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT giải trình: Có nhiều nguyên nhân chậm, trong đó có khách quan là giao vốn xong thì mới bắt đầu thực hiện dự án, mới thiết kế chi tiết rồi mới đi vào chính thức, cho nên mất rất nhiều thời gian. GPMB cũng mất rất nhiều thời gian, rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều Luật. Thủ tục quá chặt chẽ cũng khiến tình trạng giải ngân chậm. “Đó là những nguyên nhân mà chúng ta không thể làm ngay được, không thể chớp được, có những loại việc không thể làm trước được" - Bộ trưởng lý giải. Đồng thời nhìn nhận, có cả nguyên nhân có thể sự dềnh dang ở giai đoạn đầu, sau đó mới tập trung giải ngân vào giai đoạn cuối.

Một số ý kiến cho rằng, phải xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm về một lĩnh vực chính. Vì không rõ nên kiểm tra, giám sát buông lỏng, chưa thực hiện hết trách nhiệm, phân bổ xong là xong, còn đồng vốn đi đến đâu, hiệu quả thế nào thì lại không rõ ràng, không đến cùng. Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, trong Luật đã quy định phân cấp rõ trách nhiệm của ai, đến đâu. Trách nhiệm của Bộ là xem phân bổ vốn có đúng theo quy định hay không, Bộ đã có đi giám sát kiểm tra, những công trình đầu tư không đúng theo danh mục phê duyệt thì đều đã báo cáo Chính phủ. Còn hiệu quả của dự án là do chủ dự án, nếu dự án của bộ chủ quản thì trách nhiệm thuộc về bộ chủ quản, dự án của địa phương là trách nhiệm của địa phương.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Trách nhiệm thuộc về ai phải nói rõ. Chính phủ thống nhất quản lý đầu tư công, Bộ KH&ĐT giúp cho Chính phủ thì Bộ phải chịu trách nhiệm chính, cùng một số bộ ngành có liên quan. Phải chỉ rõ trách nhiệm dự án nào, địa phương nào, bộ ngành nào, để công khai minh bạch sai phạm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục khẩn trương giao vốn, không để chậm trễ, tránh cố tình làm sai, tránh đùn đẩy không dám chịu trách nhiệm.

Trước những khó khăn, thách thức liên quan đến đầu tư công, Bộ KH&ĐT đã được giao chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo trình tự rút gọn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm là phải sửa ngay tại kỳ họp này của Quốc hội. Bộ đang làm tích cực để báo cáo Chính phủ ngay tại phiên họp thường kỳ tháng 9 (diễn ra vào hôm nay, 3/10).