Sáng nay, 12/9, HĐND TP Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu HĐND TP đã tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung: Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP và Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08 năm 2016 của HĐND TP về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn TP Hà Nội; nhóm vấn đề về kế hoạch đầu tư công của TP. Sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu HĐND TP đã tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung này.
Phân cấp mạnh mẽ, phù hợp với thực tiễn địa phương
Các đại biểu HĐND TP nhận định, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền cũng phù hợp và đúng nguyện vọng của Nhân dân. Tuy nhiên các đại biểu đều đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát sau phân cấp, uỷ quyền.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nêu, quá trình phối hợp giữa các sở, ban, ngành đôi khi chưa hiệu quả dẫn đến ách tắc công việc, vì vậy Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP sẽ tạo sự chủ động cho địa phương, thúc đẩy quản lý nhà nước, điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, đại biểu Trần Anh Tuấn hoanh nghênh việc điều chỉnh phân cấp quản lý các chợ, tiêu biểu như thị xã Sơn Tây có chợ Nghệ nằm trong vùng lõi phố đi bộ, khi được phân cấp quản lý sẽ hiệu quả hơn. Về quản lý trường THPT, khi được phân cấp, địa phương sẽ cải tạo sửa chữa đáp ứng yêu cầu giáo dục. Về giao thông, địa phương sẽ quản lý tốt hơn các tuyến đường, vệ sinh môi trường.
Về điều chỉnh đầu tư công trung hạn, đại biểu nêu các chỉ tiêu điều tiết hiện tại rất linh hoạt. Sở KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện nên gần như số liệu điều chỉnh rất cụ thể và linh hoạt. Đại biểu đồng tình việc điều tiết cho các dự án hấp thụ vốn tốt, như Sơn Tây vừa đề nghị điều chỉnh 77 dự án cho các đơn vị hấp thụ vốn tốt hơn, việc điều chỉnh sẽ tập trung cho các dự án trọng điểm của TP và các quận, huyện, thị xã.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn đánh giá, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn TP Hà Nội có tính phân cấp mạnh mẽ, đồng bộ, khoa học, có tính thực tiễn cao, trong đó đặc biệt là phân cấp cho các trường học để duy tu, duy trì các trường THPT. Đại biểu đề nghị chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi bởi tăng thẩm quyền cho quận, huyện phải chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, quan tâm đến nguồn nhân lực cho các địa phương.
Về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trường Sơn nhận định, các dự án chậm tiến độ thường liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án liên quan văn hoá, thể thao. Vì vậy, chia sẻ về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ở cấp huyện, đại biểu nêu huyện Quốc Oai thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ tại công trường, cấp huyện trực tiếp ngồi rà soát sát với từng dự án, vì vậy các chủ đầu tư và các quận huyện cần sát sao với từng dự án thì giải ngân sẽ tốt hơn.
Nâng cao năng lực của cơ quan nhận ủy quyền, đơn vị được phân cấp
Theo Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân, phương án phân cấp của Đề án lần này gắn đồng bộ với rà soát, phân cấp, ủy quyền về TTHC. Đây chính là “điểm nghẽn” còn tồn tại ở các quận, huyện. Vì vậy, với Đề án lần này khi thực hiện phân cấp, ủy quyền sẽ khắc phục được những vấn đề cơ bản còn hạn chế.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Đàm Văn Huân nêu ý kiến, MTTQ TP đồng tình với việc phân cấp, uỷ quyền trên 20% về TTHC cho các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, đi kèm theo đó cần các điều kiện là để đơn vị chỉ tiếp nhận thực hiện phân cấp khi đủ năng lực.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Minh Hùng đề nghị nâng cao năng lực thực hiện của cơ quan nhận ủy quyền, đơn vị được phân cấp. Năng lực thực hiện cần được đẩy mạnh qua tăng cường CCHC, cụ thể cần xây dựng quy trình nội bộ ở các phòng ở cấp huyện. Như ở cấp huyện, quy trình nội bộ giữa các phòng ban cần được xây dựng cụ thể, áp dụng CNTT vào quá trình thực hiện thì sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các đơn vị.
“Cần bổ sung đánh giá, việc thực hiện ở cấp huyện và đơn vị sau một thời gian nhất định có hiệu quả không, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục thực hiện. Như vậy sẽ giúp cho hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp cơ sở được kịp thời” – đại biểu Nguyễn Minh Hùng nói.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, Đề án là cuộc cách mạng về phân cấp, ủy quyền của TP. Hiện nay, Đề án là nguyên tắc chung, còn kết quả thực hiện mới là điều quan trọng nhất. Vì vậy đề nghị chú ý việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi trong tháng 12 sắp tới. Ngoài ra, cần chú ý các đề án về tổ chức thực hiện, khi phân cấp thì cơ chế của TP như thế nào, ví dụ ở một dự án đầu tư khi phân cấp thì chủ trương đầu tư, dự toán, thẩm định, thiết kế… sẽ triển khai ra sao.
Về vấn đề định biên biên chế, theo đại biểu Vũ Đức Bảo hiện nay sẽ có nơi sẽ thiếu người khi phân cấp. TP sẽ có chủ trương và đánh giá lại tổng biên chế toàn Thành phố liên quan đến vấn đề phân cấp, uỷ quyền.
Đại biểu Vũ Đức Bảo cũng nhấn mạnh, sau phân cấp cần đánh giá lại, sang năm 2023 cần có giải pháp đột phá hơn. Thành phố dự kiến thực hiện phân cấp, ủy quyền sâu ở một số sở, ngành, đặc biệt là vấn đề phối hợp liên ngành khi xin ý kiến các nội dung thuộc nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị, ở bước đầu sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục có đánh giá, rà soát khi triển khai.
Đại biểu Hoàng Minh Dũng Tiến - Bí thư Quận ủy Ba Đình, Tổ trưởng Tổ 4 đánh giá các ý kiến đều bám sát các nội dung trọng tâm, thể hiện sự thống nhất với tinh thần chỉ đạo chung của Thành uỷ, nhất trí các báo cáo trình tại kỳ họp thứ 9. Các ý kiến tập trung phần lớn vào Đề án phân cấp, ủy quyền.
Theo đó, Tổ 4 đánh giá Đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Thành uỷ, sự cố gắng của UBND TP trong việc xây dựng Đề án. Đại biểu góp ý việc phân cấp, ủy quyền cần tiếp tục được rà soát trong thời gian tới. Các đại biểu cũng đề nghị quan tâm về nguồn thu, nhiệm vụ chi, quản lý sau đầu tư, cũng như cần làm rõ hơn về đề án tổ chức thực hiện, định biên biên chế sắp tới.