Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phấn đấu đến năm 2020, Hoài Đức cơ bản trở thành quận

Văn Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tại buổi kiểm tra Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân” tại huyện Hoài Đức ngày 6/6.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao trước kết quả đạt được của huyện Hoài Đức trong đầu tư về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Quan trọng hơn là không khí hồ hởi, phấn khởi trong Nhân dân, thực sự là phong trào “Toàn dân chung sức tham gia xây dựng NTM”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trên địa bàn huyện trong thực hiện Chương trình 02. Đến nay, toàn huyện đã có 19/19 xã được công nhận xã NTM và đang trong quy trình đề nghị xét công nhận huyện NTM.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế của địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình 02, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Hoài Đức tập trung làm tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức thích hợp để các cơ quan, đơn vị, người dân xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của toàn dân.
Từ đó, đẩy mạnh phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM và đô thị văn minh. Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô lớn, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, gắn kết người nông dân với doanh nghiệp thu mua sản phẩm chất lượng cao, không chỉ cung cấp cho thị trường Hà Nội mà còn tiến tới xuất khẩu.
Thứ ba, đề nghị huyện Hoài Đức tiếp rục rà soát, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, nâng cao đời sống nông dân, thực hiện tốt quy tắc ứng xử mà TP đã ban hành, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Thứ tư, với đặc thù của huyện Hoài Đức xây dựng NTM trong bối cảnh đô thị hóa, do đó xây dựng NTM phải kết hợp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường, điện, đảm bảo kết nối đồng bộ, phấn đấu đến năm 2020 huyện Hoài Đức cơ bản thành quận. Thứ năm, xây dựng NTM gắn với xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa II). “Việc này đòi hỏi quyết tâm lớn và phải thường xuyên rà soát những nơi chính quyền yếu kém để kiện toàn kịp thời” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của huyện Hoài Đức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ngành rà soát lại và báo cáo UBND TP. Cụ thể giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp tháo gỡ khó khăn cho huyện Hoài Đức, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung, tiêu thoát nước… Giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, tâp trung áp dụng chính sách, tổ chức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp giải quyết các cơ chế, chính sách, ưu tiên sớm giải quyết cơ bản về đất dịch vụ cho huyện Hoài Đức. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng giao Văn phòng Điều phối NTM TP tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của huyện, báo cáo TP giải quyết, tháo gỡ.