Đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng lên 45%, hệ thống đô thị đảm bảo chất lượng phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt, 312 đô thị từ loại I đến loại IV và khoảng trên 620 đô thị loại V.
Phát triển nhà ở đô thị
Một trong các nhiệm vụ mà Chương trình đề ra là phải đảm bảo đô thị hóa gắn với tăng trưởng kinh tế và nâng cao mật độ kinh tế ưu tiên phát triển các đô thị là động lực tăng trưởng cấp quốc gia, vùng để tạo sự lan tỏa quốc gia và quốc tế.
Đặc biệt, cần phát triển đa dạng các loại nhà ở có diện tích và mức độ tiện nghi đáp ứng nhu cầu của thị trường và điều kiện thu nhập của các tầng lớp dân cư, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh hoặc bổ sung các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực công nghiệp.
Khuyến khích phát triển nhà chung cư để tăng quỹ nhà ở, các loại nhà ở phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện của các vùng miền. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi các thành phần kinh tế và tổ chức tham gia đầu tư xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp, công sở, đào tạo... trong nội thị theo lộ trình, đảm bảo không tăng quy mô dân số khu vực trung tâm (đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), ưu tiên phát triển các không gian phục vụ công cộng đô thị tại các khu vực này.
Các đô thị hình thành mới phải tuân thủ Chương trình phát triển đô thị quốc gia và phù hợp với yêu cầu phát triển của khu vực, các quy định pháp luật về việc phát triển đô thị mới...
Hình thành các tuyến đường trên cao, tuyến vận tải công cộng lớn
Về giao thông, đối với các đô thị loại đặc biệt và loại I, hình thành các tuyến đường trên cao và tuyến vận tải công cộng lớn như trên xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm...; nghiên cứu phát triển bãi đỗ xe ngầm gắn với các không gian công viên, quảng trường, các công trình hoặc tổ hợp công trình lớn đáp ứng yêu cầu phát triển.
Phát triển các tuyến giao thông thủy nội vùng và liên vùng đối với các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có lợi thế về biển, sông, kênh, rạch.
Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sử dụng khoa học công nghệ và các trang thiết bị hiện đại trong quản lý, tổ chức giao thông. Khuyến khích nghiên cứu và phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Cùng với phê duyệt nội dung Chương trình nêu trên, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị quốc gia do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình.