Phân khúc hàng gia dụng cao cấp: Cạnh tranh quyết liệt

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ồ ạt tràn vào thị trường của các tên tuổi hàng gia dụng đến từ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và tâm lý sính ngoại đã khiến các DN trong nước đứng trước cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt.

Để giữ vững thị phần đòi hỏi DN trong nước phải đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hạ giá bán, qua đó thu hút người tiêu dùng (NTD) sử dụng hàng nội.
Hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường
Với ưu thế mẫu mã, chất lượng hơn hẳn hàng Việt nên mặc dù giá bán không rẻ nhưng hàng gia dụng nhập khẩu (NK) hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất tại Việt Nam vẫn chiếm lĩnh phân khúc hàng cao cấp. Khảo sát tại các hệ thống điện máy, siêu thị cho thấy, hầu hết sản phẩm gia dụng có tính “thông minh”, tiện dụng thì 80 - 90% là hàng NK. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, lượng hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh NK từ Thái Lan trong những năm gần đây tăng mạnh, đứng thứ 2 trên thị trường, sau hàng Trung Quốc.

Người tiêu dùng mua đồ gia dụng tại siêu thị HC. Ảnh: Thu Hương

Ngay cả những mặt hàng đồ nhựa cũng trong tình trạng tương tự. Thời gian gần đây, sản phầm đồ nhựa Lock&Lock đã chiếm lĩnh phân khúc hàng cao cấp với hơn 20 cửa hàng và 300 kênh bán hàng bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại. Không chỉ có Lock&Lock, trên thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng nhựa gia dụng cao cấp như: Biokips (Công ty Komax Việt Nam), BioZone (Công ty TNHH HomeTech), Incense...
Bà Nguyễn Thị Hương, ngõ 85 đường Nguyễn Lương Bằng cho hay, sản phẩm đồ gia dụng NK giá cao hơn hàng nội địa. Chẳng hạn, bình đun nước siêu tốc nhãn hiệu Philips bán tại siêu thị Vinmart giá dao động từ 0,5 - 1,5 triệu đồng, trong khi sản phẩm trong nước chỉ từ 200.000 - 500.000 đồng. Hàng ngoại giá đắt nhưng chất lượng lại hơn hàng Việt Nam, nên người sử dụng cảm thấy an tâm hơn. Đồ nhựa gia dụng trong nước sản xuất hay mắc những lỗi rất nhỏ như sắc cạnh gây đứt tay khi sử dụng, độ bền sản phẩm không cao... Bên cạnh đó, DN nước ngoài thường tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm, trong khi DN trong nước ít khi thực hiện những hoạt động này nên khó kích cầu tiêu dùng.
Doanh nghiệp Việt đổi mới sản phẩm để tìm chỗ đứng
Mặc dù hàng ngoại đang chiếm lĩnh phân khúc hàng cao cấp, nhưng DN Việt vẫn có cơ hội phát triển, bởi là DN Việt nên hiểu rõ nhu cầu sử dụng của NTD, giá cả cạnh tranh cùng với cải tiến mẫu mã phù hợp thị hiếu.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết: Muốn chiếm lĩnh phân khúc hàng cao cấp đòi hỏi DN phải nắm rõ thị hiếu NTD. Chẳng hạn với sản phẩm chảo, người châu Âu thường dùng chảo nông lòng, trong khi người Trung Quốc lại thích chảo sâu lòng để xào, rán đồ dầu mỡ. Nhưng với người Việt Nam lại thích sử dụng chảo nhiều công dụng trong quá trình chế biến thức ăn hơn sử dụng một chiếc chảo chỉ có một chức năng với cùng một mức giá. Nắm bắt được nhu cầu của NTD, Sunhouse đã đầu tư sản xuất sản phẩm chảo chống dính, đến nay chiếm lĩnh 40 - 50% thị phần tại các siêu thị, ở nông thôn tới 60 - 70%.
Thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, trong thời gian gần đây, nhiều DN nhựa đã tận dụng các chính sách hỗ trợ vay vốn, qua đó tiếp cận công nghệ, mở rộng đầu tư sản xuất, từ đó đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao. Điển hình, Công ty Nhựa Song Long đã mạnh dạn thế chấp nhà xưởng vay tiền mua trang thiết bị, máy móc hiện đại, tổ chức lại sản xuất…, tung ra hàng loạt sản phẩm phù hợp với thị hiếu NTD. Đến nay đã có hơn 500 mặt hàng mang nhãn hiệu Song Long được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Tương tự, Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển để tung ra 5 dòng sản phẩm với các thương hiệu khác nhau: Household - sản phẩm gia dụng chất lượng cao; G.I.P - sản phẩm nhựa công nghiệp; FoodPAK - hộp thực phẩm chất lượng cao; SINA - hộp thực phẩm công nghệ kháng khuẩn; Nice - nội ngoại thất; đồng thời xây dựng mạng lưới hơn 700 đại lý trên toàn quốc, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Vinmart…
Có thể nói, thị phần về hàng gia dụng cao cấp luôn hấp dẫn với tất cả các DN, tuy nhiên để chiếm lĩnh thị trường đòi hỏi các DN biết đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, đồng thời cần có chiến lược marketing hiệu quả để đưa thông tin tới NTD. Bên cạnh đó, DN cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về mặt hành lang pháp lý, hỗ trợ tín dụng... Từ đó tạo điều kiện để sản phẩm gia dụng không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, quy mô giá trị thị trường ngành hàng gia dụng trong nước đạt khoảng 15 tỷ USD. Trong thời gian qua, mặt hàng gia dụng Việt đã chiếm lĩnh lòng tin NTD, tuy nhiên ngành hàng này còn nhiều tiềm năng do dân số trẻ, với mức thu nhập bình quân đã hơn 2.000 USD/năm dẫn đến thay đổi nhu cầu về chất lượng, mẫu mã.
Ông Võ Văn Quyền Nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Tại hệ thống siêu thị Big C, tỷ lệ hàng gia dụng do DN trong nước sản xuất không ngừng tăng lên, hiện chiếm khoảng 85%. Đặc biệt, trong một số dòng hàng như đồ nhựa, chảo…, mặc dù hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối nhưng chủ yếu là sản phẩm bình dân. Hiện, hầu hết các sản phẩm gia dụng có tính “thông minh”, tiện dụng như bếp điện từ, nồi nướng đa năng, nồi cơm điện đa năng (nấu cháo, cơm, hầm thịt...), chảo chiên hai mặt... là hàng nước ngoài.
Ông Nguyễn Thái Dũng Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long