Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân loại để ứng xử phù hợp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/10, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Chính sách cải tạo...

Kinhtedothi - Ngày 22/10, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Chính sách cải tạo chỉnh trang tái thiết phường, làng ngõ xóm trong các khu ven đô và các khu đô thị cũ đang phát triển". Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư trong bối cảnh môi trường sống của người dân ở các khu ven đô và đô thị cũ, các làng, xóm đang xuống cấp nghiêm trọng.

Khi những khu đô thị mới khang trang ngày càng nhiều và ngày càng lớn về quy mô, diện tích, đầy đủ tiện ích thì người ta lại càng cảm nhận rõ hơn sự thiếu và hạn chế của các "làng trong phố". Đâu đó là những "khoảng tối" của đô thị khi các làng xóm chưa được quan tâm một cách thích đáng. Những khu đô thị, những tòa cao ốc hiện đại có thể làm người ta choáng ngợp khi thưởng ngoạn nhưng cảm giác đó thường qua nhanh. Sự "ẩn mình" đến tội nghiệp của các làng xã trong đô thị mới thực sự là nỗi ám ảnh.

Chưa xứng tầm

Qua một đêm, làng đã trở thành phường là thực tế ở nhiều làng xã ven đô. Quyết định của chính quyền đô thị đã "nâng cấp" làng thành phường nhưng có phải vì sự công nhận ấy mà làng đã "rũ áo" thành phường? Thực tế, các làng xã trong cơn lốc đô thị hóa đã thiếu hẳn sự chuẩn bị một cách bài bản về điều kiện, về hạ tầng và quan trọng hơn là tâm thế của con người.

 
Cổng làng Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng
Cổng làng Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Việt Nam, ông Michael Digregorio thuộc Quỹ châu Á (Asia Foundation) cho rằng, ở những ngôi làng ven đô, người dân đang phải đối mặt với thực tế của quá trình chuyển đổi đô thị. Đối với họ, điều này có nghĩa là một tương lai không có sản xuất nông nghiệp, chính quyền làng được chuyển đổi thành chính quyền phường, quận. Dân số tăng bởi những người dân từ nơi khác chuyển đến, mật độ dân số tăng nhanh chóng cũng đồng thời gia tăng các mối đe dọa về môi trường. Bán các khu vườn trên mảnh đất định cư là một trong những cách mà nhiều người đã thực hiện để bù đắp sự mất mát về thực phẩm và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Ông Michael Digregorio nhận thấy rằng, các hộ nông dân, đặc biệt là một số người học thức hạn chế và có con phụ thuộc rất sợ khi nghĩ về tương lai của mình.

Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, tình trạng đáng lo ngại là hàng triệu người dân sống trong các làng, ngõ xóm bị đô thị hóa một cách ồ ạt, lộn xộn, tạo nên một vùng nhà ổ chuột kiểu mới, các khu ngõ, ngách… không ánh sáng mặt trời, đường chật hẹp, hạ tầng kỹ thuật yếu kém. Ở những khu vực này, trẻ em không có chỗ chơi, người già không có chỗ dạo; nếu xảy ra sự cố thì xe cứu hỏa không thể vào, cứu thương không kịp cấp cứu.

Cần sự tham gia, giám sát của cộng đồng

Với những cái nhìn sâu sắc qua những cuộc khảo sát, tìm hiểu và qua kinh nghiệm quản lý, các chuyên gia tham dự hội thảo đã đặt ra hàng loạt vấn đề cần quan tâm đối với các làng, xóm ven đô và đô thị cũ. Trong khi chuyên gia nước ngoài đánh giá rằng, các làng xã chưa được đưa vào quy hoạch, hoặc có thì cũng mới chỉ là "phông nền" chứ chưa phải một phần của quy hoạch thì chuyên gia trong nước không đồng tình với quan điểm này. Để minh chứng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, nhiều làng trong nội đô đã có quy hoạch từ lâu như làng Dịch Vọng, Kim Liên… Phường Láng Thượng hay chính là làng Láng đã có quy hoạch từ năm 1997. Phường - làng Phú Thượng còn có một bản quy hoạch mà TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá là "kiểu mẫu" với sự tham góp, hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Vấn đề không phải ở chỗ không đưa làng vào quy hoạch mà là ở phương thức thực hiện quy hoạch, năng lực. Ngay như làng nghề Bát Tràng đã có đồ án quy hoạch khá công phu từ năm 2011, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, đến nay, quy hoạch này mới thực hiện được chừng 30% ý đồ của quy hoạch.

Làng lên đô thị là tất yếu, vấn đề là phân loại để ứng xử và có chính sách để cải tạo, tái thiết. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, trong khi chưa đủ điều kiện để tiến hành cải tạo triệt để hoặc đầu tư xây dựng một khu đô thị mới thì việc quản lý và vận hành có hiệu quả hoạt động đô thị tại các khu vực đô thị cũ là một việc làm cần thiết. Trong đó, việc nâng cấp đường làng ngõ xóm được khẳng định là đem lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài cho các hộ dân và cộng đồng. Từ kinh nghiệm địa phương và thế giới, một số đề xuất đã được hội thảo ghi nhận. Đặc biệt là sự tham gia, giám sát của cộng đồng cũng như vai trò của chính quyền đô thị đối với việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết phường, làng, ngõ xóm. Cần chuyển việc cải tạo hạ tầng từ chủ yếu do Nhà nước làm theo kiểu giải quyết tình thế sang mô hình Nhà nước chủ động chỉ đạo - tạo điều kiện, chính quyền và cộng đồng địa phương đề xuất, tổ chức, huy động nguồn lực, lập bộ máy quản lý chuyên nghiệp và duy trì.
Cần triển khai đề án tổng kiểm tra toàn bộ các khu vực phường, làng, ngõ xóm để triển khai đồng bộ công tác lập quy hoạch chỉnh trang, tái thiết khu đô thị cũ, đồng thời ban hành các quy định cụ thể trong quản lý xây dựng khu vực cũ cũng như các làng, xóm sắp trở thành phường khi phát triển đô thị, công nghiệp.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng