Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân loại rác tại nguồn: các địa phương vẫn kêu khó

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn hơn 3 tháng nữa là phải thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 nhưng nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai.

Khó khăn không chỉ đến từ cơ sở hạ tầng, mà còn là thói quen của người dân và nguồn lực kinh phí hạn chế.

Khó thực hiện đúng kế hoạch

Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Các địa phương trên cả nước, từ đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cho đến các tỉnh, thành khác, đang nỗ lực thực hiện thí điểm và mở rộng mô hình phân loại rác. Tuy nhiên, tiến độ và hiệu quả vẫn còn hạn chế, với nhiều khó khăn xuất hiện trong quá trình triển khai.

Công nhân môi trường thu gom rác thải trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Công nhân môi trường thu gom rác thải trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Theo báo cáo từ một số tỉnh, thành, hiện tại, tỷ lệ rác được phân loại tại nguồn mới chỉ đạt mức khiêm tốn. Ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh, sau nhiều năm triển khai thí điểm ở các quận trung tâm, chỉ khoảng 30% lượng rác được phân loại. Hạ tầng thu gom và vận chuyển rác sau khi phân loại chưa đồng bộ, dẫn đến việc rác dù đã được tách riêng vẫn bị trộn lẫn khi thu gom​. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng bày tỏ lo ngại về việc thiếu các nhà máy xử lý rác chuyên biệt cho từng loại rác đã phân loại.

Hệ thống xử lý rác của Việt Nam hiện chủ yếu là chôn lấp, chỉ một số ít nhà máy có khả năng xử lý rác thải tái chế và rác hữu cơ. Điều này gây ra lãng phí nguồn tài nguyên và không tận dụng được lợi thế của phân loại rác tại nguồn​. Hạ tầng và cơ sở vật chất cũng là một rào cản lớn.

Tại nhiều địa phương, thùng rác phân loại vẫn còn thiếu, điểm thu gom rác tái chế chưa được đầu tư đầy đủ. Hệ thống thu gom và xử lý rác cũng chưa hoàn thiện, dẫn đến tình trạng rác thải bị ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường. Chính sách về phân loại rác tại nguồn cũng còn nhiều bất cập. Các quy định pháp luật chưa đủ rõ ràng, tính khả thi còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả, dẫn đến việc người dân chưa thực sự hiểu rõ về tầm quan trọng của việc phân loại rác.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây Phùng Văn Phúc cho biết, để chuẩn bị cho việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, UBND phường đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải hữu cơ tại nguồn trên địa bàn gửi đến từng phòng, ban, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và tổ dân phố. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết nếu muốn thành công.

Đầu tiên là dụng cụ đựng rác (thùng rác, túi rác) phải có đủ 3 ngăn (hoặc 3 túi riêng) để đựng 3 loại rác khác nhau, mỗi ngăn (hoặc túi) phải có dấu hiệu nhận diện riêng biệt để người dân cũng như đơn vị vận chuyển rác biết được đó là đựng loại rác nào. Vấn đề nữa là nơi để rác cũng phải đủ rộng cho 3 loại rác khác nhau. Đặc biệt là khâu thu gom và vận chuyển, đòi hỏi xe rác cũng phải có 3 ngăn riêng cho 3 loại rác.

“Nếu xe rác chỉ có một ngăn như hiện nay, rác phân loại rồi lại dồn chung vào một ngăn thì không được. Bây giờ công ty vệ sinh môi trường cần thiết kế loại xe rác có nhiều ngăn thì mới được” - ông Phúc phân tích. Khi được hỏi về việc liệu đến đầu năm 2025 việc thực hiện phân loại rác tại nguồn ở địa phương có thực hiện được như đúng kế hoạch không, ông Phúc nhận định, đây là điều “cực kỳ khó”.

Chủ tịch UBND xã Đông La, huyện Hoài Đức Kiều Duy Tập cũng cho rằng, để thực hiện phân loại rác tại nguồn vào đầu năm 2025 theo như kế hoạch đã đề ra là cả một bài toán nan giải. “Đối với địa phương như chúng tôi, yêu cầu phải thực hiện hiện theo kế hoạch thì không thể nào bảo đảm được” - ông Kiều Duy Tập nhận định.

Theo ông Kiều Duy Tập, một trong những vấn đề cần giải quyết khi thực hiện phân loại rác tại nguồn là điểm tập kết rác cho các địa phương. Bởi hiện tại, hầu hết các xã ngoại thành chỉ có điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt tạm thời và mỗi xã cũng chỉ có một điểm. Điều này đang gây ra nhiều bất lợi cho công tác thu gom và vận chuyển rác như hiện nay, đó là chưa nói đến việc phân loại rác tại nguồn.

“Cần có quy hoạch điểm trung chuyển rác thải cho các địa phương và trong điểm trung chuyển rác thải này cũng phải có mô hình 3 loại rác được phân loại” - ông Kiều Duy Tập đề nghị.

Câu chuyện ý thức và hạ tầng

Theo các chuyên gia, để việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, cần có giải pháp đồng bộ từ T.Ư đến địa phương. Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý rác thải, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi vi phạm.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải. Khuyến khích áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong xử lý rác thải. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Đặc biệt, một trong những yếu tố có vai trò then chốt, quyết định sự thành bại của việc phân loại rác tại nguồn chính là ý thức của người dân. cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân về phân loại rác tại nguồn. Việc tuyên truyền cần được thực hiện đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

"Quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người dân, biến việc phân loại rác thành ý thức tự giác, thành thói quen sinh hoạt hàng ngày" - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT Hoàng Văn Thức chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Xuân Khanh Phùng Văn Phúc cũng cho rằng, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân rất quan trọng. Bởi lẽ, dù các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể có vào cuộc tuyên truyền thế nào nhưng người dân vẫn không nhận thức được vấn đề thì cũng khó đạt hiệu quả.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND xã Đông La Kiều Duy Tập nhìn nhận, đối với việc phân loại rác tại nguồn, có hai vấn đề quan trọng nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân và cần có cơ chế để tạo thuận lợi cho người dân.

“Về ý thức người dân đối với việc phân loại rác tại nguồn, tôi đánh giá người dân vẫn còn khá thờ ơ đối với việc này. Do đó, công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Cần phải tuyên truyền, tập huấn đến tất cả mọi người, kể cả học sinh vì học sinh cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có nguồn kinh phí hỗ trợ người dân để người ta có thùng rác và sau đó người ta dùng cho việc phân loại rác” - ông Kiều Duy Tập nói.

 

Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 68.000 tấn rác thải, trong đó khu vực đô thị thải ra hơn 38.000 tấn rác. Tỷ lệ thu gom toàn quốc đạt trên 88%. Phần lớn rác thải được thu gom đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp với khoảng hơn 76%. Trong đó nhiều khu vực chôn lấp chưa hợp vệ sinh, gây tốn tài nguyên đất và tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.