Phân loại rác tại nguồn: Cần đồng bộ với hạ tầng thu gom, xử lý

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn bảo vệ môi trường sống, trong những năm qua, Hà Nội đặc biệt chú trọng về cách phân loại, quản lý rác thải tại nguồn và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để mục tiêu phân loại rác tại nguồn đi vào cuộc sống thiết thực nhất, cần hơn nữa những giải pháp hiệu quả, đồng bộ.

Mở rộng triển khai tại các quận, huyện
Tại Hà Nội, TP đã thí điểm mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn từ nhiều năm trước, đồng thời, đưa khái niệm mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải vào chương trình giáo dục tiểu học và nhân rộng mô hình sang nhiều khu vực trên địa bàn các quận, huyện. Các chiến dịch phát động về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã nhận được sự hưởng ứng của chính quyền, đơn vị thu gom, cộng đồng dân cư.
 Unilever Việt Nam hợp tác cùng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội triển khai chương trình khuyến khích phân loại rác tại nguồn gắn liền với xử lý và tái chế chất thải trên địa bàn Hà Nội đến hết năm 2025 (Ảnh: Unilever Việt Nam)
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), ngay từ đầu năm 2021, Chi cục đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan, Phòng TN&MT quận, huyện triển khai nhiều hoạt động, tổ chức hội nghị về phương án phân loại rác tại nguồn cho các hộ dân. Từ đó, giúp người dân biết cách phân loại được rác vô cơ và rác hữu cơ, thực hiện có hiệu quả phong trào thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường.
Tại huyện Đông Anh, Trưởng phòng TN&MT Trần Thị Quỳnh Nga cho biết, công tác triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn huyện được thực hiện quyết liệt từ đầu năm 2021, đến nay đã đạt được những kết quả khả quan. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai tập huấn, huyện đã tập trung phân loại rác tại nguồn, triển khai xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình và cụm dân cư bằng chế phẩm sinh học thí điểm tại 3 xã Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng. Tại xã Liên Hà đã cho xây dựng mô hình xử lý rác thải tập trung quy mô thôn, xóm bằng nguồn xã hội hóa.
Nhờ những nỗ lực của các hộ gia đình, 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng rác thải sinh hoạt tại 3 xã thí điểm này đã giảm 119 tấn. Theo báo cáo đánh giá kiểm kê rác thải của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, tổng lượng rác sinh hoạt của 30 hộ gia đình được thí điểm tại thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà trong 30 ngày là: 1281.7kg. Trong đó, rác thải hữu cơ đã được xử lý chiếm 59,33%, rác thải tái chế là 6,94%, rác thải còn lại 33,74%. Như vậy, cho thấy nếu phân loại rác tại nguồn và tận dụng rác thải hữu cơ, lượng rác phải mang đến bãi rác tập trung sẽ giảm khoảng 70 %.
 Phân loại rác tại nguồn tại một số xã trên địa bàn huyện Đông Anh. (Ảnh: Live& Learn)
Bà Nguyễn Thị Hải (thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú) một trong những hộ dân đầu tiên phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà chia sẻ: “Sau khi phân loại rác, tôi thường đổ rau củ quả thừa, lá cây vào hố ủ tự đào trong vườn. Sau phân loại và bỏ vào hố ủ, rác sẽ vứt vào thùng chung rất ít, 3 ngày mới phải đổ rác một lần thay vì hàng ngày.”
“Những con số về lượng rác giảm sau phân loại và xử lý tại 3 xã là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của các hộ dân tại Đông Anh. Số người tự phân loại và xử lý rác tại nhà tại các thôn tiếp tục tăng lên, mọi người đều coi việc làm này như một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật. Ngay trong đầu tháng 7/2021, huyện Đông Anh đã mở rộng triển khai chương trình phân loại và xử lý rác tại nguồn tại các xã Mai Lâm, Võng La, Tiên Dương” - Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh thông tin.
 Người dân xã Dục Tú (huyện Đông Anh) phân loại, kiểm kê và xử lý rác tại nhà. (Ảnh: Live&Learn )
Là một trong những đơn vị thực hiện thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco Hà Nội) đã thực hiện dự án "Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội". Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 18 phường quận Hoàn Kiếm và một số điểm GreenDay, điểm trường học tại quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa bước đầu đã đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo đại diện lãnh đạo Urenco Hà Nội, chương trình đã từng bước tạo dựng được mô hình phân loại, tái chế rác thải, giảm lượng rác thải chôn lấp (đã giảm thiểu được 1% trên tổng khối lượng rác trung bình phát sinh tại địa bàn quận Hoàn Kiếm). Bước đầu mở ra một ngành nghề kinh doanh rác tái chế của công ty, theo đó, khối lượng rác tái chế thu được tính đến hết tháng 5/2021 ước tính khoảng hơn 500 tấn.
Đặc biệt, chương trình đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các đối tượng phát sinh rác thải, đã tuyên truyền, hướng dẫn, vận động trực tiếp đến các hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức, các đối tượng là học sinh, người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Luật hóa để đưa vào cuộc sống
Có thể nói, hiện nay, việc thí điểm phân loại rác tại nguồn ở nước ta đã từng bước đem lại kết quả nhưng hiệu quả không cao, trong đó có nhiều nguyên nhân, khó khăn và vướng mắc. Trước thực trạng trên, Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022 sẽ bổ sung và áp dụng lần đầu liên quan đến phân loại rác tại nguồn, tiệm cận dần với quy định của các quốc gia phát triển. Đặc biệt, khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải ở Việt Nam hiện nay còn cao chủ yếu do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Xoay quanh vấn đề này, GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, Luật quy định trách nhiệm phân loại của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây. Tuy nhiên, các địa phương khi thực hiện, áp dụng lộ trình phải tùy theo đặc thù của địa phương, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế về nhận thức, hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở nước ta hiện nay, bởi vấn đề phân loại rác thải tại nguồn chỉ thực sự hiệu quả khi đồng bộ với hạ tầng thu gom, xử lý.
GS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh, những nước tiến bộ như Hàn Quốc, Nhật Bản… xem việc phân loại rác tại nguồn rất quan trọng. Vì vậy, tại nước ta để đưa luật vào cuộc sống hiệu quả nhất thì giải pháp quan trọng vẫn là cách làm đồng bộ, nhất quán từ khâu đầu đến khâu cuối.
Trong đó, phải luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc phân loại rác tại hộ gia đình, huy động các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, cần vận động người dân bên cạnh phòng chống dịch phải nâng cao ý thức giảm thiểu chất thải sinh hoạt, tự giác phân loại tại nguồn vì đây cũng là giải pháp nhằm tránh lây lan mầm bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó, không chỉ đồng bộ phân loại tại nhà mà tiếp đó phải đồng bộ từ công ty thu gom rác thải đến các cơ sở xử lý chất thải. Đặc biệt, nâng cao vai trò của các công ty thu gom rác. Không chỉ có vai trò quan trọng trong hệ thống thu gom mà bản thân những người công nhân thu gom còn đóng vai trò những người giám sát trực tiếp việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Phân loại rác tại nguồn nhằm tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 60 - 80%, tạo nguồn hữu cơ “sạch” để chế biến phân hữu cơ có chất lượng cao.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần