Phần lớn hợp tác xã chịu tác động của dịch Covid-19 khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/3, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tổ chức Diễn đàn thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho HTX trong bối cảnh mới.

Quang cảnh diễn đàn
Nghiên cứu do Liên minh HTX Việt Nam và UNDP thực hiện khảo sát tại 4 tỉnh, TP bị đại dịch tác động trực tiếp; điều tra, khảo sát 174 HTX tại 24 tỉnh, TP và 34 liên minh HTX của các tỉnh, TP. Nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến các HTX tại Việt Nam, mức độ HTX nắm bắt và khả năng thích ứng trong đại dịch.
Kết quả công bố ngày 24/3 cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các HTX ở mức độ bình quân 3,84/5 (5 là mức tác động nghiêm trọng nhất). HTX thuộc lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức đánh giá tác động gần như tuyệt đối (4,83/5). 
Doanh thu và lợi nhuận của HTX cũng bị giảm đáng kể trong đại dịch. Thống kê có đến 82,2% số HTX bị giảm doanh thu, trong đó, 42,5% số HTX bị giảm hơn 1/2 doanh thu. Lợi nhuận của các HTX cũng bị sụt giảm. Chỉ riêng một số HTX trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ và nông nghiệp là vẫn có lãi.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất tiền vay. Cùng với đó là các nghị quyết, thông tư hỗ trợ cho người lao động, giảm giá tiền điện, miễn giảm nộp phí liên quan đến một số giấy phép du lịch…
Dù vậy, khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam và UNDP cho thấy khả năng nắm bắt và tiếp cận chính sách của khu vực HTX còn nhiều hạn chế. 41% tổng số HTX trong nhóm khảo sát được hỏi không biết đến chính sách cho HTX vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động; 38% HTX không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại diễn đàn
Tỷ lệ và số lượng HTX được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cũng còn rất hạn chế. Chính sách có nhiều HTX được thụ hưởng nhất là giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng cũng chỉ đạt khoảng 14%. Tỷ lệ HTX được thụ hưởng các chính sách giảm giá điện và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chỉ đạt lần lượt 12% và 10%. Các chính sách còn lại, theo khảo sát tỷ lệ HTX được thụ hưởng dao động từ 3 – 6%.
Trên cơ sở khảo sát, Liên minh HTX Việt Nam và UNDP thống nhất đề xuất trong ngắn hạn, Chính phủ cần sửa đổi các quy định hiện hành về điều kiện thụ hưởng chính sách đối với HTX một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của các HTX. Đồng thời, chỉ đạo việc thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng thời điểm đối với các HTX.
Trước bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Chính phủ chú trọng các giải pháp và chính sách về hỗ trợ tài chính, phát triển chuyển môn, kỹ năng, tay nghề cho người lao động của các HTX. Các chính sách hỗ trợ thời gian tới nên có mức độ ưu tiên và khác biệt hoá đối với những HTX thực hiện mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội, hoặc sử dụng lao động là người khuyết tật. 
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách cho các HTX là giải pháp cần được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm không bỏ sót những đối tượng thực sự cần được hỗ trợ. Cơ chế thực thi chính sách đối với các HTX cũng cần đơn giản, rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ thực hiện hơn.